Wednesday, November 3, 2021

Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên – Năm B –4-11-2021 – Lễ Thánh Charles Borromeo, Giám Mục

 Thu Nam XXXI TN

Luca 15:1-10

1Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: 4“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất nổi tiếng trong Phúc âm Luca nói về lòng thương xót của Chúa.  Câu chuyện này đã được ĐGH Phan-xi-cô chọn làm chủ đề chính cho Năm Thánh Lòng Thương Xót, 2016.  Trước hết, tôi có thể chú ý đến hai câu đầu tiên của bài đọc hôm nay, Luca viết: “Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.  Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.’”  Tôi có thể thấy, thái độ gièm pha và chỉ trích của những người Pha-ri-sêu đối với Chúa Giêsu, khi Ngài tiếp xúc với những người thu thuế và tội lỗi.  Trong các phúc âm, những người Pha-ri-sêu còn được gọi là: Những người biệt phái.  Tức là những người tự tách biệt mình khỏi mọi người khác, đặc biệt những người tội lỗi, vì họ tự cho mình là thánh thiện, đạo đức hơn người.  Có khi nào tôi cũng mang óc biệt phái như vậy chăng, mỗi khi nghe biết một người nào đó có một đời sống bê tha, xấu xa hoặc một quá khứ chẳng mấy tốt đẹp?  Tôi tránh xa họ có lẽ không phải vì sợ sẽ bị xấu lây, theo kiểu: “gần mực thì đen”, cho bằng tôi cho rằng: tôi đạo đức, thánh thiện, đạo mạo, cao sang, gia giáo, học rộng hiểu cao thế này mà lại dan díu với những “phường” đó à?  Mấy người ấy làm gì có “cửa” làm bạn với tôi?  Tôi là ai mà lại có thái độ biệt phái như vậy với đồng loại?  Tôi ngắm nhìn Chúa Giêsu, là Thiên Chúa, vậy mà lại dám gần gũi với những người tội lỗi, thu thuế và gái điếm, để biết thái độ của tôi đúng hay sai.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?

2.  Thấy kiểu sống đạo của những người Pha-ri-sêu quá khắt khe và không có tình thương, Chúa Giêsu kể dụ ngôn người chăn chiên có một trăm con, nhưng chỉ có một con đi lạc, vị mục tử ấy đã để chín mươi chín con nơi đồng hoang đi tìm cho kỳ được con chiên lạc.  Khi đã tìm được con chiên lạc, vị mục tử đó vác chiên trên vai mang về, rồi mở tiệc ăn mừng với hàng xóm vì đã tìm thấy con chiên bị thất lạc.  Tôi có thể phân vân: Hình như Chúa yêu những người tội lỗi hơn người công chính thì phải?  Hình như Chúa yêu con chiên lạc hơn chín mươi chín con chiên kia không đi lạc thì phải?  Vì thế, tôi cảm thấy như thiệt thòi và Chúa dường như chẳng công bằng với tôi, bởi tôi thấy tôi là một trong chín mươi chín con chiên không đi lạc, bằng chứng là tôi chưa bao giờ bỏ nhà đi hoang, nhưng tuần nào tôi cũng đi lễ, sáng tối nào cũng đọc kinh cầu nguyện, Mùa Chay nào tôi cũng giữ chay rất nghiêm túc, hành hương hết thánh địa này đến linh địa khác.  Nhưng không phải thế đâu!  Trước mặt Chúa, chẳng có ai là thánh thiện hay hoàn hảo.  Điều quan trọng là, tôi yếu đuối mà có nhận biết mình là yếu đuối, cần phải trở về, cần đến lòng Chúa thương xót không, hay tôi lại tỏ ra ngon lành, thánh thiện và chẳng cần phải trở về?  Tôi muốn đến trước mặt Chúa trong giờ phút này và để ý xem Chúa đang muốn nói gì với tôi?  Tôi xin cho được khiêm nhường và nhận ra tình thương của Chúa luôn dành cho tôi và Ngài mời gọi tôi trở về.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment