Thursday, November 4, 2021

Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên – Năm B –5-11-2021

 Thu Sau XXXI TN

Luca 16:1-8   

1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia.  Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó?  Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây?  Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi.  Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’

5“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ 6 Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’  Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ 7 Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’  Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’  Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’

8“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo.  Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn nữa Chúa Giêsu dùng để giảng cho dân chúng, cũng liên quan đến vấn đề quản lý tài sản vật chất.  Dụ ngôn trong bài đọc hôm nay còn được gọi là Dụ Ngôn Người Quản Gia Bất Lương, có điểm giống dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu trong chương trước đó, Lc 15:11-32.  Nếu trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, người con thứ đã phung phí tài sản của gia đình, trong dụ ngôn Người Quản Gia Bất Lương, quản gia cũng biển thủ tài sản của chủ.  Nếu tôi đọc cả hai dụ ngôn này, tôi có thể cảm thấy khó hiểu và có nhiều thắc mắc, cũng như bực tức.  Và đây là một trong những đặc trưng của dụ ngôn, đó là làm cho người đọc cảm thấy khó chịu, bực tức, khiến họ cứ nghĩ mãi về dụ ngôn mà họ vừa đọc, mà càng nghĩ, khúc mắc của họ càng sáng ra và dẫn họ đi sâu vào những vấn đề Chúa Giêsu đang muốn họ hiểu.  Chẳng hạn, tôi có thể cảm thấy bực bội, khó chịu về lời khen của ông chủ đối với quản gia bất lương.  Tuy nhiên, nếu để ý, tôi có thể thấy Luca đã cho tôi một gợi ý ngay từ câu đầu tiên của dụ ngôn, đó là: Chúa Giêsu kể dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu cho những người Pha-ri-sêu; trong khi đó, Ngài kể dụ ngôn Người Quản Gia Bất Lương cho các môn đệ.  Điều này có ý gì?  Đối với những người Pha-ri-sêu, họ khắt khe đối với những người tội lỗi; vì thế, họ bị thách đố về một Thiên Chúa giầu lòng xót thương.  Đối với các môn đệ, hay đúng hơn là đối với tôi là một Kito hữu, rất khờ khạo và thờ ơ về việc chuẩn bị cho sự sống đời đời của mình, nên cần nhìn vào tính nhanh nhẹn và khôn ngoan của quản gia bất lương tìm mọi cách cho sự an sinh tương lai đời này.  Tôi có đồng ý với kết luận của dụ ngôn, khi ông chủ khen quản gia bất lương không?  Có điều gì khó hiểu trong dụ ngôn này?  Tôi nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu xem sao. 

2.      Dĩ nhiên Chúa Giêsu kể dụ ngôn này không có ý khen sự bất lương đầy khôn khéo của người quản gia, cho bằng muốn đặt với tôi một sự so sánh đầy thách đố, đó là: Nếu đời tạm này mà tôi đã khôn lanh, tìm mọi cách để bảo vệ để có một tương lai an toàn, tôi đã chuẩn bị gì, dám đánh đổi như thế nào để có cuộc sống vĩnh cửu?  Có phải tôi đã làm quần quật suốt ngày, làm đủ mọi công việc để làm sao có một cuộc sống đầy đủ tiện nghi và sung túc; trong khi đó, tôi lại rất thờ ơ với những chuẩn bị cho sự sống đời đời?  Có khi nào tôi cảm thấy tin Chúa là một thiệt thòi nên sẵn sàng đánh đổi lương tâm và đành mất Chúa để có được nhiều tiền bạc và vật chất; trong khi đó, chuẩn bị cho sự sống đời đời, tôi lại cảm thấy gặp Chúa là một chuyện vớ vẩn, cầu nguyện là một chuyện mất thì giờ, đi lễ là chuyện lẩm cẩm, sự sống đời đời trong Chúa là một ảo tưởng?  Tôi để ý sau một ngày làm việc, một năm làm việc quần quật, tôi còn gì và mất gì?  Chúa đang là ưu tiên thứ mấy trong đời sống của tôi?  Ai, hay cái gì đang là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của tôi?  Sự sống và sự cứu rỗi quan trọng như thế nào đối với tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?              

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment