Friday, November 19, 2021

Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B –20-11-2021

Thu Bay XXXIII TN

Luca 20:27-38

27Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su.  Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy.  Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” 34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần.  Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một cuộc đối thoại giữa nhóm Xa-đốc với Chúa Giêsu về sự sống đời sau và sự sống lại.  Con vật cũng như con người đều khát vọng sống.  Chính vì thế mà con người và con vật đều có nhu cầu đã thành bản năng, phải sinh con cái để duy trì giống nòi.  Tuy nhiên, con người khác con vật ở chỗ, con người không chỉ ham muốn sống ở đời này bao lâu có thể, nhưng còn khát vọng được sống mãi mãi ở đời sau nữa.  Bởi thế ở thời đại nào cũng có những người bận tâm về số phận của những người thân của họ đã chết.  Người ta xin lễ, cầu kinh để mong sao người thân của họ được sống đời đời bên Chúa; đồng thời mong rằng, một ngày nào đó họ sẽ được gặp lại người thân của họ.  Tuy nhiên, câu hỏi cần phải đặt ra, đó là: Tại sao tôi không bước vào cõi vĩnh hằng bên Chúa ngay từ giây phút này, mà phải chờ sau khi chết?  Chỗ nào có Thiên Chúa, nơi đó là thiên đàng, nơi đó con người đã đi vào trong vĩnh cửu rồi.  Tôi có thể bước vào cõi vĩnh hằng ấy ngay trong giây phút này của giờ cầu nguyện.  Tôi muốn trầm lắng thật sự, ý thức sự hiện diện của Thiên trước mặt tôi ngay trong giây phút này.  Tại sao tôi phải chờ đến sau khi chết rồi nhờ người này người kia xin lễ, đọc kinh cầu nguyện tôi mới vào thiên đàng?  Tôi cho rằng, nếu không tìm cách vào thiên đàng ngay ở cuộc đời này, chắc cũng chẳng bao giờ vào được thiên đàng sau khi chết.  Tôi đem chuyện thiên đàng và sự sống vĩnh cửu bàn hỏi với Chúa Giêsu trong giây phút này.

2.      Câu cuối cùng trong bài đọc hôm nay thật thú vị.  Chúa Giêsu nói: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống.”  Như vậy, trong con mắt của Thiên Chúa, chẳng ai chết bao giờ.  Giống như tác giả Thánh Vịnh 139 đã cảm nghiệm: Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?  Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.  Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.  Con tự nhủ: ‘Ước gì bóng tối bao phủ tôi và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối!’  Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau” (Tv 139:7-12).  Những lời này và lời Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay có là một hy vọng cho tôi, có cho tôi một cái nhìn mới về cách sống của tôi hiện nay không?  Tôi phải sống như thế nào để cảm nghiệm thiên đàng ngay trong giây phút này?  Tôi sẽ sống như thế nào để không lạc xa thiên đàng qua từng chọn lựa của cuộc sống?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment