Friday, November 5, 2021

Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên – Năm B –6-11-2021

Thu Bay XXXI TN 

Luca 16:9-15   

9Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

13“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ.  Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

14Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15 Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Người ta vẫn thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được,” và lại có câu: “Tiền là tiên là Phật.”  Như vậy, dù tiền chỉ là một mảnh giấy vô tri ấy vậy mà nó có một ma lực mãnh liệt vô cùng lớn, mà từ xưa cho đến nay, hiếm đã có ai thắng được sức mạnh và sự mê hoặc của nó.  Bởi thế, vì đồng tiền mà có những người đã dám đánh đổi gia đình, vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, lương tâm, chính mình và thậm chí cả Thiên Chúa nữa.  Sự mê hoặc của tiền bạc có thể khiến tôi mất tự chủ, trở nên mê muội, trở thành nô lệ cho nó, như thể tôi muốn mua cặp bò hoặc cái xe để tôi có thể ung dung ngồi trên nó, căn nhà để tôi ở trong đó, nhưng rồi bỗng dưng tôi biến thành con bò lúc nào không hay, tối ngày kéo con bò, cái nhà, cái tiệm, đến mức làm việc quần quật như con bò, bận rộn không còn giờ để sống, không còn giờ cho ai và không còn giờ cho Chúa nữa.  Chúa Giêsu nhận thấy sức mạnh của đồng tiền vô cùng lớn lao, nên trong những lời giảng của Ngài cũng thường nhắc đến những mối nguy của tiền.  Cụ thể là trong ba ngày này, tôi đều nghe Chúa Giêsu liên tục nói về tiền bạc.  Bài đọc ngày thứ năm, Chúa Giêsu kể dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, trong đó người con thứ đi hoang phung phí tài sản tiền bạc gia đình trong chuyện ăn chơi trác táng.  Anh ta đã bị sức mạnh đồng tiền phân hóa biến anh ta từ địa vị làm con trở thành người làm công, thậm chí ngang hàng với heo, không còn được ăn cơm trên bàn mà phải ước mơ được ăn đồ thừa của heo.  Bài đọc ngày hôm qua, Chúa Giêsu kể dụ Ngôn Người Quản Lý Bất Lương đã tham nhũng tiền bạc của chủ.  Sức mạnh đồng tiền đã tha hóa người quản lý, từ một người tốt trở thành kẻ tham lam, ăn cắp tiền của chủ, đến mức bị mất việc.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo tôi cách dùng tiền của thế gian, bởi nó có ma lực giựt tôi khỏi Thiên Chúa.  Bởi ngay cả các Pha-ri-sêu đạo đức đến thế mà còn bị sức mạnh của đồng tiền tục hóa đời sống thánh thiện của họ.  Tôi có đang vướng phải chuyện tiền bạc không?  Sức mạnh của tiền bạc đang dẫn tôi xa dần Thiên Chúa, đánh mất gia đình và đánh mất tôi như thế nào?  Tôi đang làm chủ đồng tiền để nó phải phục vụ tôi, hay tôi đang phủ phục làm nô lệ cho đồng tiền?

2.      Tôi đọc lại những lời trên của Chúa Giêsu và dừng lại ở câu nào đánh động tôi nhất bao lâu có thể để suy ngẫm, nói chuyện với Chúa Giêsu về điều Ngài đang muốn nói với tôi, hoặc điều mà tôi đang trăn trở, bận tâm.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment