2 Ma-ca-bê 6:18-31
18Hồi ấy, có một người tên là E-la-da, một
trong những kinh sư quan trọng tuy tuổi đã cao nhưng trông rất đẹp lão. Ông bị
ép phải há miệng ăn thịt heo. 19 Nhưng ông thà chết vinh
hơn sống nhục, nên đã tự ý tiến ra nơi hành hình, 20sau khi đã
khạc nhổ hết thịt ra. Ông đã làm như vậy
theo thói thường của những người can đảm là từ chối những thứ Luật Lệ không cho
phép ăn, dù phải ăn để sống. 21 Vì quen biết ông E-la-da
đã lâu năm, nên những người chủ toạ bữa tiệc cúng thần trái với Lề Luật, kéo
riêng ông ra một chỗ. Họ khuyên ông nói
với người ta đem thịt đến, thứ thịt được phép dùng, tự tay ông dọn lấy, rồi giả
vờ như thể mình đang ăn thịt cúng do vua truyền. 22 Làm
như vậy ông mới thoát chết, lại còn được đối xử nhân đạo, vì trước kia ông đã
xử tốt với họ. 23 Nhưng ông đã có một quyết định dứt
khoát, thật xứng với tuổi cao, và uy thế của bậc lão thành, với vẻ khả kính của
mái tóc trắng phau vì lao tâm khổ tứ, với tác phong hoàn hảo từ buổi thiếu
thời, nhất là phù hợp với Luật thánh do chính Thiên Chúa lập ra. Ông trả lời họ thật đích đáng là cứ việc đưa
ngay ông xuống âm phủ. 24 Ông nói: “Ở tuổi chúng tôi, giả
vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã
chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. 25 Rồi
bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi,
còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già. 26 Dù
hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng
sẽ không thoát khỏi bàn tay của Đấng Toàn Năng. 27 Vậy giờ
đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, 28 và
để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao
quý, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện.”
Nói thế rồi, ông đi thẳng đến nơi hành hình. 29 Những
người điệu ông đến nơi đó đổi thiện cảm họ vừa có đối với ông thành ác cảm, vì
họ cho những lời ông nói là điên khùng. 30 Khi sắp chết vì
đòn vọt, ông vừa rên vừa nói: “Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người
biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn
dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ
Người.”
31Con người ấy đã từ giã cuộc đời như thế
đó. Cái chết của ông để lại không những
cho các thanh niên, mà còn cho đại đa số dân chúng một tấm gương về lòng cao
thượng và một hình ảnh đáng ghi nhớ về nhân đức.
(Trích
Sách Ma-ca-bê II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Ma-ca-bê
II. Ma-ca-bê là tiếng gọi chung để chỉ
về một thời kỳ cách mạng trong lịch sử Do-thái, chống lại Hoàng đế Seleucid,
giúp giải phóng và giành độc lập cho Giu-đa vào những năm 135 đến 67 TCN. Ma-ca-bê gồm bốn tập, nhưng không một tập nào
được đưa vào quy điển Kinh Thánh Do-thái.
Chỉ có tập I & II được Giáo hội Công giáo nhìn nhận là Kinh Thánh, Giáo
hội Chính Thống nhận thêm tập III, nhưng không một giáo phái Tin Lành nào công
nhận bốn tập sách này vào Kinh Thánh của họ.
Ma-ca-bê I ghi nhận những biến cố lịch sử của cộng đồng Do-thái sinh
sống trong và lân cận tại Giê-ru-sa-lem, dưới sự cai trị của Vua Seleucus IV
thuộc Sy-ri-a cho đến thời kỳ cách mạng Do-thái (134-104 TCN). Ma-ca-bê II không tiếp nối những gì Ma-ca-bê I
nói về lịch sử Do-thái, nhưng tập trung nhiều vào vấn đề của đền thờ Giê-ru-sa-lem
và lối sống đạo. Ma-ca-bê II do một
người tên là Jason ở Cyrene biên soạn, một văn sĩ Do-thái và có lòng mộ đạo. Ba điểm nổi bật của Ma-ca-bê II có thể nói,
đó là: thứ nhất, Thiên Chúa làm chủ mọi biến cố. Dù cho biến cố nào đó có rất xấu đến mấy đi
nữa, không chỉ là cách trừng phạt nhưng còn là cách Thiên Chúa huấn luyện dân
của Ngài. Thứ hai, tập sách này đưa ra
một cái nhìn mới về sự sống đời sau và phục sinh, một cái nhìn rất xa lạ với Do-thái
trước đó. Thứ ba, tập sách đề cao đến
những nhân chứng đức tin. Bởi thế, những
đoạn văn viết về các cuộc tử đạo nghe thật thống thiết bi ai.
2. Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất đẹp về đời sống đức tin. Tác giả nêu bật niềm tin mạnh mẽ của E-la-da, một người đã lớn tuổi, thế nhưng không ham sống sợ chết mà chối bỏ những gì Lề Luật truyền dạy, nhưng đã trở nên mẫu gương của niềm tin và trung thành cho đến cùng, và cho đến chết. Các thánh giáo phụ ngày xưa đã xem câu chuyện này như tiên báo về các cuộc tử đạo sau này mà các Kito hữu sẽ phải trải qua. Tôi có nhận thấy câu chuyện này cũng vẫn hữu ích cho đời sống đức tin của tôi hôm nay? Tôi có dám sống niềm tin của tôi một cách mạnh mẽ, cho đến cùng để nêu gương sáng cho những người xung quanh và các thế hệ mai sau? E-la-da đã từ chối không ăn thịt heo vì Lề Luật Do-thái cấm. Dù đây là một hành động nhỏ, nhưng đã được kể vào những trang của Kinh Thánh và được truyền tụng lại mãi cho đến ngày hôm nay. Tôi có dám sống niềm tin dầu chỉ bằng những cố gắng nhỏ bé trong ngày? Ngày hôm nay, tôi muốn sống và nêu gương sáng cho thế hệ mai sau về niềm tin của tôi như thế nào? Tôi nói chuyện với Chúa để được hướng dẫn và nâng đỡ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment