Đa-ni-en
2:31-45
31Ngày ấy, ông Đa-ni-en nói với vua
Na-bu-cô-đô-nô-xo rằng: “Tâu bệ hạ, ngài đã có một giấc chiêm bao. Giấc chiêm bao ấy như thế này: một pho tượng,
một pho tượng lớn, sáng chói, đứng sừng sững trước mặt ngài, coi thật dễ
sợ. 32 Đầu pho tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và hai cánh
tay bằng bạc, bụng và hai bắp đùi bằng đồng, 33 hai bắp
chân bằng sắt, hai bàn chân nửa sắt nửa sành. 34 Ngài đang
mải nhìn thì bỗng có một tảng đá tách ra, dù không có bàn tay nào đụng tới, nó
đập vào pho tượng trúng hai chân nửa sắt nửa sành, khiến hai bàn chân vỡ tan
ra. 35 Bấy giờ tất cả cùng vỡ tan: cả sắt, sành, đồng, bạc
lẫn vàng, giống như rơm rác trên sân phơi lúa mùa hè bị gió cuốn đi không để
lại dấu vết gì. Còn tảng đá làm vỡ pho tượng thì trở thành một hòn núi lớn
choán hết mặt đất. 36 Đó là giấc chiêm bao, còn ý nghĩa
của nó thì xin tâu trước bệ hạ. 37 Tâu bệ hạ, ngài là vua
các vua, Đức Chúa Trời đã ban cho ngài vương quốc, quyền hành, thế lực và vinh
quang. 38 Con cái loài người, thú vật ngoài đồng, chim
chóc trên trời, dù chúng ở đâu thì Đức Chúa Trời cũng giao vào tay ngài và đặt
ngài làm chủ tể mọi loài. Cái đầu bằng
vàng chính là ngài vậy. 39 Sau triều đại ngài, sẽ xuất
hiện một vương quốc khác kém hơn ngài. Rồi
một vương quốc thứ ba nữa, vương quốc bằng đồng, sẽ thống trị cả mặt đất. 40 Còn
vương quốc thứ tư vững như sắt. Cũng như sắt nghiền nát và đập tan tất cả vương
quốc đó - khác nào sắt phá vỡ - cũng sẽ nghiền nát và phá vỡ tất cả. 41 Bàn
chân và các ngón chân mà ngài thấy nửa bằng đất sét, nửa bằng sắt là một vương
quốc sẽ bị phân chia, nhưng sẽ có một phần sức mạnh của sắt, vì ngài thấy sắt
pha lẫn với đất sét. 42 Các ngón chân phần bằng sắt, phần
bằng đất sét là một vương quốc nửa mạnh nửa yếu. 43 Việc
ngài thấy sắt pha với đất sét nghĩa là các vương quốc sẽ làm cho các chủng tộc
pha lẫn với nhau, nhưng không gắn bó với nhau được cũng như sắt không hoà lẫn
được với đất sét. 44 Trong thời đại các vua này, Đức Chúa
Trời sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt, vương quốc ấy không bị
giao cho một dân khác, nhưng nó sẽ đập tan và tiêu diệt tất cả mọi vương quốc
này, đến muôn đời nó sẽ đứng vững; 45 cũng như ngài đã
thấy tảng đá bị tách khỏi núi dù không có bàn tay nào đụng tới, tảng đá ấy đập
tan cả sắt, đồng, đất sét, bạc và vàng. Thiên
Chúa cao cả đã cho đức vua biết chuyện gì sẽ xảy ra sau này. Giấc chiêm bao đúng là như thế và ý nghĩa chắc
chắn là như vậy.”
(Trích
Sách Đa-ni-en, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1. Tuần này Giáo hội bắt đầu cầu nguyện và suy niệm với Sách Đa-ni-en. Đây là một tập sách đầy thú vị, được viết bằng ba ngôn ngữ: Do-thái, A-ram và Hy-lạp, lẫn lộn trong các chương. Người Do-thái chỉ công nhận những phần viết bằng tiếng Do-thái và A-ram vào Kinh Thánh của họ. Các giáo phái Tin Lành cũng công nhận như thế; chỉ có Công giáo là công nhận tất cả các phần viết bằng ba thứ tiếng vào trong Kinh Thánh. Nhiều người cho rằng Sách ngày được viết ra khoảng thế kỷ 6 TCN, tức cuối thời lưu đầy ở Ba-by-lon và ngay sau đó. Tuy nhiên, dựa vào ngôn ngữ học, có người cho rằng, Sách này được viết ra khoảng thế kỷ 2 TCN. Sách gồm ba thể loại: 1) Thể văn “Midrash haggadah”, tức thể văn nghiên cứu; 2) Thể văn “Pesher midrash”, tức thể văn giải thích những biến cố lịch sử theo chiều kích tâm linh; 3) Thể văn “Apocalypsis”, tức thể văn khải huyền, tiên đoán những vấn đề cánh chung. Hiện nay vẫn chưa rõ ai là tác giả của Sách Đa-ni-en, và đây cũng là chuyện thường xảy ra thời bấy giờ. Các tác giả thời ấy thường mượn tên người nổi tiếng làm tác giả cho sách của họ. Vì thế, Đa-ni-en không phải là tác giả của Sách này, mà chỉ là nhân vật nổi tiếng và quan trong trong Sách nên, người ta đã lấy tên của ông đặt tên cho Sách.
2.
Để hiểu bài đọc hôm nay, tôi cần phải đọc thêm phần đầu của chương
2, trong đó mô tả Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo của Ba-by-lon, một
ông vua quái ác, ham sống và sợ chết. Ông là người ác độc. Đêm ngủ, ông mơ
một giấc mơ rất lạ kỳ, khó hiểu và điều đó khiến ông sợ. Chính vì thế mà, sáng ngày, ông triệu tập tất
cả các phù thủy, chiêm tinh, pháp sư và đồng bóng trong nước, đòi buộc họ phải giải thích ý nghĩa giấc mơ của ông là gì. Tuy
nhiên, cái ác của ông vua này đó là: ông không nói cho mọi người biết ông đã mơ
gì, nhưng bắt họ phải đoán ông đã mơ thấy gì và giải thích ý nghĩa của giấc mơ
ấy. Ai kể sai sẽ bị giết, còn ai kể đúng
sẽ được thưởng chức lớn quyền cao. May
mắn trong số ấy, Đa-ni-en đã mạnh dạn nói về giấc mơ của Vua và giải
thích ý nghĩa của giấc mơ ấy, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay. Và Đa-ni-en đã nói đúng. Người Do-thái rất tin vào giấc mơ; họ tin rằng
Thiên Chúa liên lạc với con người qua giấc mơ.
Chính vì thế, có đến 3/5 số trang của Kinh Thánh nói về giấc mơ. Điều
rất đẹp của bài đọc hôm nay, đó là: Thiên Chúa đã dùng ngay những yếu tố văn hóa và niềm tin của thời đại để mạc khải về Ngài. Tôi có
tin vào giấc mơ không? Tôi có tìm ý Chúa
và sự hiện diện của Ngài trong các giấc mơ của tôi không, hay chỉ dùng niềm tin
vào giấc mơ để đánh số đề? Nếu không tin
vào giấc mơ như là cách Thiên Chúa thông truyền với tôi, vậy tôi kinh
nghiệm Chúa thông truyền với tôi như thế nào trong mọi ngày sống? Tôi có nhận ra sự hiện diện và thông truyền của Ngài? Tôi đã lắng nghe và đáp
trả một cách nghiêm túc với Chúa như thế nào, hay tôi đã dập tắt tiếng nói của Ngài
trong tôi? Tôi nói chuyện với Chúa trong
giây phút này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment