Monday, November 8, 2021

Thứ Ba Tuần XXXII Thường Niên – Năm B –9-11-2021 – Lễ Cung Hiến Vương Cung Thánh Đường Cả Gioan La-tê-ra-nô

Thu Ba XXXII TN

Ê-dê-ki-en 47:1-2, 8-9, 12

1Bấy giờ, thiên sứ dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông.  Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ. 2 Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra. 8 Người ấy bảo tôi: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. 9 Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống.  Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. 12 Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện.  Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc.”

(Trích Sách Ê-dê-ki-en, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ kỷ niệm Cung Hiến Vương Cung Thánh Đường Cả Gioan La-tê-ra-nô.  Những ai đi Rô-ma, không thể bỏ qua việc ghé thăm vương cung thánh đường này, khoảng 4 km về phía tây bắc của Điện Vatican.  Thánh đường này được xây vào năm 324, là một thánh đường cổ nhất và quan trọng nhất trong bốn thánh đường quan trọng (1) Vương Cung Thánh Đường Cả Gioan La-tê-ra-nô, 2) Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, 3) Thánh Đường Thánh Phao-lô Ngoại Thành, 4) Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả) của Giáo hội Công giáo.  Đây cũng là nơi thờ phượng cổ xưa nhất của Giáo hội và là vương cung thánh đường cổ nhất của Tây phương.  Giáo hội mừng lễ kỷ niệm cung hiến Vương Cung Thánh Đường Cả Gioan La-tê-ra-nô vì đây là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Rô-ma, cũng là nhà thờ chính tòa của các nhà thờ chính tòa trên thế giới.  Đức Thánh Cha là Giám mục của Giáo phận Rô-ma và cũng là Giáo Hoàng của cả Giáo Hội Công Giáo.  Tôi muốn dành những giây phút đặc biệt trong ngày hôm nay để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Giám mục của mọi người Công giáo.  Tôi cũng cầu nguyện cho Giáo hội Hoàn vũ được trở thành nơi tràn trề ân sủng của Chúa cho cả thế giới.

2.      Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Ê-dê-ki-en, một tập sách được viết ra khoảng năm 571 TCN.  Ê-dê-ki-en làm ngôn sứ cho những người còn sót lại ở Giu-đa, đồng thời tuyên sấm về một hy vọng cho những người đã bị bắt đi lưu đầy tại Ba-by-lon rằng, sẽ có ngày họ sẽ được hồi hương và phục hồi nhân phẩm.  Họ sẽ nhìn thấy bàn tay của Chúa vẫn ở với họ và chăm sóc họ.  Bài đọc hôm nay nói đến đền thờ, một hình ảnh thường được dùng để diễn tả sự hiện diện của Chúa luôn ở với dân, trong đó nước lênh láng chảy tứ phía từ trong đền thờ, nhằm nói đến ân sủng của Chúa tuôn trào sẽ đem lại sức sống, sự chữa lành và hy vọng cho mọi người.  Tôi đọc lại những lời sấm của Ê-dê-ki-en và mở lòng để cho những ân sủng của Chúa cũng tràn vào trong tôi, đặc biệt tưới mát cho những góc cạnh cằn cỗi và chữa lành những tổn thương và mất mát trong tâm hồn tôi.  Tôi cũng ý thức những lời trên của Ê-dê-ki-en phản ánh lời của Phao-lô: Thân xác tôi là đền thờ Thiên Chúa ngự (1 Cor. 6:19).  Thế nên, tôi cũng để ý ân sủng của Chúa có tràn trề trong tôi, đang chảy lai láng đến mọi người quanh tôi, khiến mọi người gặp tôi, họ được thêm sức sống, hy vọng và được chữa lành?  Hôm nay tôi sẽ đem ân sủng của Chúa đến cho những ai, mang hy vọng cho những ai và chữa lành cho những ai?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này để được sai đi, để được can đảm lên đường sống yêu thương trong cuộc đời này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment