Sunday, November 14, 2021

Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B –15-11-2021 – Lễ Thánh Albert Cả, Giám Mục và Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Hai XXXIII TN 

Luca 18:35-43

35Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi: 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”  Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” 42 Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa.  Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

(Trích Phúc Âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay mô tả việc Chúa Giêsu chữa một người mù tại Giê-ri-khô.  Đây là câu chuyện được ghi nhận trong cả ba Phúc âm Mat-thêu, Mác-cô và Luca.  Nói chung cả ba tác giả đều có những nét giống nhau, chỉ có một vài chi tiết nhỏ khác biệt, như: Phúc âm Mát-thêu 20:29-34, Chúa Giêsu chữa hai người mù, trong khi đó, Phúc âm Mác-cô 10:46-51 và Luca 18:35-43 chỉ có một người mù.  Dù là một hay hai người mù, họ đều có những thái độ, lòng tin và trải nghiệm đức tin giống nhau, như: 1) nghe biết có đám đông đi qua, họ hỏi cho biết là có chuyện gì.  Khi được biết đó là Chúa Giêsu sắp đi qua, họ liền hô to xin Ngài chữa lành cho họ; 2) khi những người xung quanh quát nạt họ im, họ lại càng la to hơn; 3) Chúa Giêsu cho gọi họ lại và hỏi họ muốn gì ở Ngài.  Họ thưa: muốn được sáng mắt; 4) Chúa Giêsu đã chữa cho họ lành nhờ họ đã tin, và 5) họ đã đi theo Ngài.  Nhìn vào bố cục của các Phúc âm này, tôi có thể thấy các tác giả đã có một mục đích khi sắp đặt thứ tự các câu chuyện trong sách của họ.  Các tác giả đã không có ý chỉ kể câu chuyện người mù trong sách của họ như là một sự kiện lịch sử cho bằng muốn nói rằng, câu chuyện người mù được chữa lành có thể xem như là một tiến trình của việc theo Chúa Giêsu.  Câu chuyện người mù được đặt vào gần phần cuối của các phúc âm.  Như vậy trong suốt quá trình rao giảng của Chúa Giêsu, dân chúng được Chúa Giêsu dẫn dắt từ mù lòa đến sáng mắt, từ sự không nhận biết Thiên Chúa đang ở giữa họ đến nhận ra Ngài và đi theo Ngài.  Các tác giả đều nói rằng người mù này sau khi được chữa lành đã đi theo Chúa Giêsu trên đường Ngài đi.  Mà đường Chúa Giêsu đang đi về cuối các Phúc âm đó là, con đường thập giá.  Có lẽ đây là điểm tôi muốn suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Tôi đã là một Kitô hữu bao lâu nay, tôi đã được sáng mắt chưa?  Tôi có nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật đang ở giữa cuộc đời này và tôi muốn đi theo Ngài không, dù con đường phải tới là thập giá?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này.  Có thể xin được sáng mắt chăng?  Có thể xin được đi theo Ngài chăng? 

2.      Tôi có thể đọc lại câu chuyện trên và đặt mình vào vai trò của người mù.  Người mù khi nghe biết Chúa Giêsu sắp đi qua, họ liền la to để được Ngài chú ý và giúp đỡ.  Có thể có nhiều người đã nói với tôi về Chúa Giêsu, có thể tiếng chuông nhà thờ mỗi ngày đã nhắc nhở tôi về Chúa, tôi tha thiết muốn gặp Ngài không?  Ai và những tiếng nói nào đang cố gắng dập tắt tiếng nói của Chúa đang nói trong tôi?  Tôi có vùng vẫy, chống đối tất cả những tiếng nói khác đang muốn dựt tôi ra khỏi Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi muốn gặp Chúa Giêsu trong lúc này và muốn được theo Chúa mỗi ngày, dù ngày sống của tôi có nhiều thử thách và khó khăn như thế nào. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

0 comments:

Post a Comment