Gioan 12:1-8
1Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến
làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su;
cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ
cùng dự tiệc với Người. 3Cô Ma-ri-a lấy
một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su,
rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt,
kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5“Sao
lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” 6Y nói thế, không phải vì lo cho người
nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình
những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7Đức Giê-su nói:
“Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em
lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là
một câu chuyện đẹp về lòng hiếu khách mà gia đình Mác-ta, La-da-rô và Maria dành
cho Chúa Giêsu, họ làm cơm tiếp đón Ngài.
Phúc âm Gioan kể Chúa Giêsu là bạn của gia đình này, chứng tỏ đây là gia
đình mà Chúa Giêsu đã thường lui tới trên đường rao giảng. Giờ đây, Chúa Giêsu không chỉ là bạn mà còn
là đại ân nhân của gia đình, vì Ngài đã làm cho La-da-rô sống lại từ cõi
chết. Hiểu như vậy, tôi có thể hình dung
được bữa cơm giữa gia đình với Chúa Giêsu thân mật như thế nào, nồng hậu biết
bao nhiêu, niềm vui chan hòa lòng người, nói cười rộn rã đầy ắp cả căn phòng. Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn hình dung: tôi
cũng được ăn ké, hoặc nếu không, ít ra cũng được ăn chực trong bữa cơm này, để
cảm nghiệm được niềm vui và lòng biết ơn của mọi người trong gia đình này đối
với Chúa Giêsu như thế nào. Tôi muốn
được chiêm ngắm Chúa Giêsu kỹ hơn, xem Ngài đang vui như thế nào trước tấm lòng
biết ơn và hiếu khách của gia đình dành cho Ngài, cũng như được thấy những giây
phút Chúa Giêsu được thư giãn nghỉ ngơi sau một ngày rong ruổi đó đây rao
giảng, đối diện với những chống đối và ganh tức của những người Pha-ri-sêu cùng
các kinh sư Do-thái. Tôi quan sát và để
ý lòng tôi đang có những cảm xúc nào, đang hướng về những nhân vật nào trong bài
đọc? Tôi nói chuyện với nhân vật ấy, để
qua họ giúp tôi gặp được Chúa Giêsu, hoặc qua Chúa Giêsu giúp tôi gặp được Chúa
Cha.
2. Trong bữa cơm này, chắc chắn tôi bị thu hút nhiều bởi Maria cùng việc làm của cô. Cô đã lấy được sự chú ý của tất cả mọi người từ việc làm kỳ cục nhưng đầy yêu mến của cô, đó là: lấy cả một bình dầu thơm rất mắc tiền xức chân Chúa Giêsu, rồi lại lau chân Ngài bằng tóc của mình. Dầu thơm ấy đã làm cả căn phòng thơm ngát, đến mức Giu-đa phân bì, lẩm bẩm, giở thói đạo đức giả. Tại sao Maria lại làm điều này? Tôi có thể hỏi Maria. Việc xức dầu của Maria nói lên tình yêu của cô như thế nào với Chúa Giêsu? Trong tuần lễ này, tôi sẽ tưởng niệm cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Liệu tình yêu dám chết của Chúa Giêsu dành cho tôi, có đủ để Ngài trở thành bạn hoặc ân nhân của tôi không? Tôi yêu Chúa đến mức nào? Có khi nào tôi đã dám “xả láng” với Chúa như Maria không? Nếu yêu Chúa thật sự, tôi muốn xả láng như thế nào với Chúa trong Tuần Thánh này? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và đưa ra một việc làm cụ thể trong Tuần Thánh này, diễn tả sự quảng đại đến xả láng của tôi đối với Chúa Giêsu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment