Mát-thêu 18:21-22
21Bấy giờ,
ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy,
nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” 22 Đức Giê-su đáp:
“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch
của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Tha thứ làm một vấn đề mà ai cũng kinh nghiệm; một vấn đề mà ai cũng thích, cũng mong nhận, bởi nó giải thoát ta khỏi sự trói buộc trong hận thù, hàn gắn một tương quan đã bị đổ vỡ và ban cho ta một sức sống mới. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề khó thực hành vô cùng. Một người nào đó có lỗi với tôi, họ xin lỗi và xin tha cho họ, đã là một điều khó, nhưng có thể làm được. Tuy nhiên, câu hỏi của Phê-rô mới đi thẳng vào vấn đề mà ai cũng cảm thấy rất khó tha thứ: “Thưa Thầy, nếu anh em con CỨ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” Người Việt Nam có một quy định: “Quá tam ba bận,” nhưng Phê-rô có thể tha đến bảy lần! Dẫu Phê-rô có quảng đại hơn người Việt Nam, nhưng cũng vẫn chưa phải là tiêu chuẩn của Chúa Giêsu. Ngài đòi hỏi tôi phải tha bảy mươi lần bảy, tức là tha mãi mãi! Tôi có thể thất vọng về lời dạy của Chúa Giêsu mà bỏ đi; nhưng nghĩ cho cùng, đây là một lời dạy rất cần thiết cho tôi. Bởi ai là người CỨ xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em, nếu không phải là tôi? Nếu tôi không muốn Chúa Giêsu dạy tôi phải tha thứ luôn luôn, mà chỉ tha ba hoặc bảy lần thôi, tôi không có cơ hội được cứu rỗi. Bởi đến bao giờ tôi mới thôi không còn xúc phạm đến Chúa và đến anh chị em xung quanh? Tôi nói gì với Chúa Giêsu về những lời dạy của Ngài và muốn được Ngài giúp đỡ như thế nào trong việc tha thứ?
2. Nhiều người hiểu rất sai về tha thứ, có lẽ vì thế mà họ cảm thấy không thể tha thứ. Ít nhất, bảy lưu ý sau đây có thể giúp tôi tha thứ dễ hơn và đúng hơn: 1) Tha thứ trước hết là việc làm công bằng cho tôi, chứ không phải cho người đã hại tôi. Khi tha thứ, tôi cởi trói chính tôi; tôi đập tan nhà tù do chính tôi đã xây để giam hãm tôi bao lâu nay bằng hận thù. Chính vì thế, tha thứ là biết thương chính mình, không tự biến mình thành nạn nhân một lần nữa. Chờ đợi cho người đã gây ra điều ác hối lỗi tôi mới tha thứ, là phó mặc tương lai của tôi trong tay người đó, tiếp tục để họ cướp đi sự sống, tự do, hạnh phúc, niềm vui và tương lai tươi sáng của tôi. 2) Tha thứ không có nghĩa là phải quên. Tôi tha thứ, nhưng không được quên việc làm sai trái của người đã gây đau khổ cho tôi; tôi phải nhớ và lớn lên từ sự tổn thương ấy, để từ nay không để họ hại tôi nữa. 3) Tha thứ không có nghĩa là làm ngơ, bỏ qua, coi nhẹ vấn đề, coi như không có gì xảy ra. Đây là một sai lầm, là chạy trốn vấn đề. Có nhiều kiểu chạy trốn vấn đề như: chiến tranh lạnh, vùi đầu vào công việc, rượu chè, cờ bạc, mạng xã hội... Tha thứ đích thực là đối diện vấn đề để được chữa lành. 4) Tha thứ không có nghĩa là hòa giải, là lại phải sống chung với người đã gây ra điều ác. Tha thứ chỉ cần một phía, nhưng hòa giải đòi hỏi cả hai. Người nào đó gây ra tổn thương cho tôi, họ đã tạo nên những cản trở, khiến tôi giận dữ, căm thù và oán hận; khi tha thứ, tôi tự giải thoát mình khỏi sự oán hận, căm thù và giận dữ ấy. Nhưng, chỉ người gây ra tổn thương mới có thể gỡ bỏ được những cản trở họ đã tạo ra, bằng cách: ăn năn, hối lỗi, chừa cải, đền bù, hứa không tái phạm và tạo lại chữ tín. Chính vì thế, tôi có thể tha thứ cho người nào đó đã gây ra sự ác, dù người ấy không xin lỗi, hoặc không chắc rằng người ấy sẽ không hại tôi nữa; nhưng, hòa giải đòi hỏi sự tin tưởng và ràng buộc của cả hai. 5) Tha thứ là một hành trình; tổn thương càng lớn, hành trình càng lâu hơn. Tôi không thể thực sự tha thứ vì bị ép buộc; tôi chỉ tha thứ khi tôi cảm thấy sẵn sàng để được chữa lành. Mỗi người sẽ cần một thời gian dài ngắn khác nhau để cảm thấy cần được chữa lành, không thể thúc ép. 6) Tha thứ chỉ có thể xảy ra khi tôi nhận biết, tôi cũng bất toàn, cũng cần được sự tha thứ. Tôi chỉ có thể tha thứ cho hành động sai trái của người nào đó đã gây tổn thương tôi, chứ tôi không thể tha thứ cho bản chất của người ấy. Bản chất của người ấy là sự bất toàn và họ cũng mang hình ảnh của Chúa giống tôi. 7) Tha thứ không thể tự sức tôi, nhưng phải nương tựa vào ơn Chúa. Tha thứ là bắt chước Thiên Chúa, bậc thầy của tha thứ, tha thứ bảy mươi lần bảy. Có kinh nghiệm đau thương nào mà tôi chưa được chữa lành không? Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu và xin Ngài chữa lành cho tôi. Ai là người mà tôi không thể tha thứ trong bao lâu nay? Tôi có thể xin Chúa cho tôi được lòng ao ước muốn tha thứ và can đảm dám tha thứ. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hãy Tha Bảy Mươi Lần Bảy,” của Huỳnh Minh Kỳ và Đinh Công Huỳnh, do Uyên Di trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=I4mOCZQXoYM
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment