Thursday, March 25, 2021

Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay – Năm B –26-3-2021

Thu Sau V MC

Gioan 10:31-42

31Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” 33 Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 34 Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.  Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ. 40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su.  Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chuyện tranh cãi về căn tính của Chúa Giêsu với những người Do-thái, trong bài đọc hôm nay, đã gay cấn đến nỗi họ muốn ném đá giết Ngài.  Những người Do-thái cho rằng Chúa Giêsu đã phạm thượng vì dám xưng mình là Thiên Chúa.  Tội phạm thượng, hay ngày nay còn gọi là tội báng bổ tôn giáo vốn được xem là tội rất nặng trong hầu hết các tôn giáo.  Có nhiều hình thức báng bổ tôn giáo như: nói hoặc có những hành động xúc phạm đến Thiên Chúa, hay vị sáng lập, hoặc nơi thờ phượng của một tôn giáo nào đó, vẽ tranh biếm họa hoặc viết sách phỉ báng vị sáng lập đạo, giảng dạy những giáo thuyết sai lệch với truyền thống, hoặc bỏ đạo để gia nhập đạo khác…  Theo thống kê của Pew, 2013, hiện nay trên thế giới có khoảng 70 quốc gia xem báng bổ tôn giáo là tội đáng tử hình, trong đó có 32 quốc gia là Hồi giáo.  Có đến 75% những người được hỏi ở Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á ủng hộ luật báng bổ tôn giáo của Hồi giáo; trong đó: 25% ở Đông Nam Á, 50% ở Trung Đông và Bắc Phi, và 75% ở Nam Á ủng hộ án tử hình cho những ai báng bổ tôn giáo.  Dù ai đó có quá đáng, rất khắt khe, nhiệt tâm bảo vệ niềm tin và sẵn sàng giết tất cả những ai dám báng bổ tôn giáo của họ, tôi phải công nhận rằng, hành động của họ nói rất nhiều về sự tự hào cũng như lòng mến của họ đối với niềm tin mà họ tuyên xưng.  Dù tôi có đồng ý hay không đối với những người Do-thái đang chống đối Chúa Giêsu, hành động và thái độ bảo vệ niềm tin của họ đáng cho tôi phải suy nghĩ về thái độ và lòng mến của tôi đối với niềm tin Kitô của tôi.  Tôi yêu mến Chúa Kitô và yêu mến Đạo Kitô đến mức nào, khiến tôi luôn quyết tâm bảo vệ, không để ai xúc phạm đến Chúa Kitô và Đạo Kitô của tôi?  Tôi trả lời Chúa Kitô trong lúc này.  Tôi cũng hỏi Chúa Kitô xem Ngài muốn tôi diễn tả lòng mến và bảo vệ niềm tin Kitô của tôi bằng cách nào?   

2.      Những người Do-thái đã không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, thế còn tôi thì sao?  Tôi tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không, mãnh liệt đến mức nào?  Tôi đọc lại chuyện tranh cãi ở trên và để ý lòng tôi đang nghiêng chiều về bên nào?  Tôi tin yêu Chúa Giêsu ở trên đầu hay ở cả trái tim, ở lời nói hay ở cả hành động, ở trong nhà thờ hay ở cả ngoài xã hội, ở trong gia đình hay ở cả nơi công sở, ở những lúc bình an hay ở cả những lúc đau khổ, ở quanh những người tôi quen biết và ở cả những lúc tôi ở với những người xa lạ, ở trong biến cố giáng sinh hay ở cả biến cố phục sinh?  Tôi trả lời và nói chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment