Mi-kha 7:18-20
18Thần minh nào
sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho
phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không
giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, 19Người sẽ lại
thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống
đáy biển. 20 Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp, và tình
thương cho Áp-ra-ham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.
(Trích Sách Mi-kha, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Trong một đoạn ngắn của bài đọc hôm nay, Mi-kha đã cho tôi thấy lòng nhân
hậu của Thiên Chúa luôn dành cho tôi. Đây
là một niềm hy vọng, một hướng mở cho tôi đi tới, dù tôi đã lỗi lầm đến đâu, Chúa
cũng đạp tội tôi dưới chân, cũng ném tội tôi dưới đáy biển và chẳng thèm nhớ
đến chúng nữa. Tôi cảm thấy thế nào về
những lời tha trắng án của Chúa dành cho tôi? Tôi muốn chiêm ngưỡng lòng nhân hậu này của Chúa
và cám ơn Ngài bằng cả niềm vui và hy vọng.
2. Hôm
nay Giáo hội mời gọi tôi cầu nguyện với lời Chúa từ Sách Mi-kha. Sách Mi-kha được viết vào khoảng những năm
742-687 T.C.N., nhắm đến các dân vùng Samaria, Giê-ru-sa-lem đang sống trong đường
tội lỗi. Tên gọi “Mi-kha” có nghĩa là ai
bằng Thiên Chúa. Chính tên của ông đã
nói lên sứ mạng của ông, có nghĩa là Thiên Chúa phải là trên hết và là tâm điểm
của đời sống. Phụng sự Thiên Chúa trên hết,
một cách đúng nghĩa, không thể làm ngơ hoặc lẩn tránh những vấn đề xã hội. Chính vì thế, Mi-kha đã mạnh dạn lên tiếng về
những bất công trong xã hội, nạn tham nhũng của các quan tham, tình trạng tôn
giáo tục hóa, và sự băng hoại đạo đức trong đời sống gia đình. Bởi vậy, Mi-kha được xem như là vị tiên tri
xã hội, và lời của ông luôn có tính thời sự hợp với mọi thời đại. Sách Mi-kha là một tuyệt phẩm thi ca trong Bộ
Kinh Thánh, bao gồm ba phần, mỗi phần đều bắt đầu bằng tiếng hô: “Hãy chú ý!”,
hoặc “Hãy lắng nghe!” để rồi sau đó, ông gióng lên những lời đanh thép, thét
vào tai, xoáy vào tim người nghe những lời chỉ trích, lên án về các tệ nạn xã hội,
khiến ai nấy rất khó bỏ qua, không thể quên.
Chẳng hạn, để diễn tả nỗi lòng của ông trước cảnh sa đọa của dân, Mi-kha
kêu gào thống thiết: “rên rỉ như chó sói, khóc than như đà điểu”, để vạch trần
những áp bức bất công của giới lãnh đạo, ông đã chửi thẳng mặt: “Các ông lột da khỏi thân người ta…, lóc thịt khỏi
xương của họ…, ăn thịt dân tôi…”, và để thức tỉnh những giá trị gia đình, ông
than phiền sao người nhà lại trở nên thù địch của nhau. Tuy nhiên, sau những lời lẽ rất gắt gao ấy, Mi-kha
luôn gieo một niềm hy vọng, luôn chỉ ra một lối đi đầy hứa hẹn cho người nghe. Mi-kha là một vị ngôn sứ dám nói lên sự thật
về Thiên Chúa và về con người. Thiên Chúa
thánh thiện, trung tín và đầy lòng xót thương, còn con người vong ân bội
nghĩa. Ông như thấu cảm được nỗi lòng của
Thiên Chúa về sự bội bạc của con người, đã thốt lên những lời thống thiết khó
quên: “Dân Ta ơi, Ta đã làm gì cho ngươi, hay Ta đã làm phiền ngươi? Phải chăng…, phải chăng…, phải chăng…?!” Tôi để câu hỏi này như Chúa đang hỏi tôi về
tương quan, lòng trung thành của tôi với Ngài.
Tôi trả lời sao đây với Chúa? Tôi
kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Dân Ta Ơi,” của Kim Long,
qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=rVgUY1IbnqQ
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment