Saturday, March 27, 2021

Chúa Nhật Lễ Lá – Năm B –28-3-2021 – Chúa Giêsu Vào Thành Giê-ru-sa-lem Trong Vinh Quang

CN Le La

Phi-li-phê 2:6-11

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

(Trích Thư Phi-li-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay và cũng là ngày khởi đầu của Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Gọi là Chúa Nhật Lễ Lá vì là ngày tưởng niệm Chúa Giêsu vào Thành Giê-ru-sa-lem, được dân chúng tung hô chào đón, người này dùng cành lá vẫy chào, kẻ khác trải áo của mình xuống đường để cho Ngài đi qua.  Chính vì thế mà thánh lễ hôm nay bắt đầu bằng nghi thức làm phép lá và kiệu lá vào nhà thờ.  Truyền thống hay dùng lá cọ, lá cau hay lá dừa, nhưng không nhất thiết phải như vậy; mỗi nơi có thể dùng cây lá nào phổ biến nhất ở địa phương đó.  Mỗi người sẽ mang lá hoặc sẽ nhận được lá sau khi chủ tế làm phép và kiệu lá đầu thánh lễ.  Sau lễ, mỗi người mang lá về nhà, treo vào ảnh tượng thánh giá hoặc các ảnh tượng khác trên bàn thờ của gia đình để đến trước Mùa Chay năm sau, mỗi nhà thờ lại nhận lại các lá của Lễ Lá năm trước, đốt thành tro và dùng tro đó để xức lên trán vào đầu Mùa Chay.  Hầu hết các giáo phái Kitô như: Công giáo, Tin lành, Anh giáo, Chính thống Đông Phương đều bước vào Tuần Thánh bằng Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay.  Đây là một điểm đẹp của sự hiệp nhất.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cho sự hợp nhất và hợp tác giữa các giáo phái Kitô cho hạnh phúc và nền hòa bình của nhân loại.  Khi tôi cầu nguyện cho sự hợp nhất giữa các giáo phái Kitô, tôi cũng muốn từ nay, ý thức hơn, không nói năng hoặc làm bất cứ điều gì gây chia rẽ và hiểu lầm giữa giáo phái của tôi với các giáo phái khác, nhưng luôn tìm những điểm đẹp của nhau và làm cho nhau đẹp hơn, để danh Chúa mãi được tỏa sáng giữa lòng thế giới này.

2.   Bài đọc hôm nay là một đoạn văn tuyệt đẹp ca tụng Chúa Kitô và mầu nhiệm của Ngài.  Từ một Thiên Chúa, Ngài đã bỏ mình trở nên một người phàm; từ kiếp phàm nhân, Ngài chọn làm thân nô lệ; từ thân nô lệ, Ngài chọn cách thế tủi nhục nhất để chết cho nhân loại.  Nét đẹp của Kitô giáo là ở điểm này.  Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa ở chín tầng mây, chẳng biết gì đến những đau khổ của con người; trái lại, Kitô giáo tuyên xưng một Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, đi qua mọi đau khổ để chia sẻ và cảm thông với mọi đau khổ của phận người.  Thiên Chúa cứu chuộc tôi không bằng cách làm phép lạ cho mọi đau khổ biến mất, nhưng đồng hành với tôi trong mọi khổ đau.  Tôi cảm thấy như thế nào về tình yêu đồng hành của Thiên Chúa với tôi?  Tôi đọc lại bài đọc trên để cảm nghiệm thật sâu tình yêu cao cả này.  Tôi đọc lại bài đọc trên để học biết đồng hành và chia sẻ với mọi người đau khổ quanh tôi.  Tôi nói gì với Chúa Giêsu về tình yêu cao cả mà Ngài đang dành cho tôi?  Tôi nói gì với Chúa Giêsu khi tôi cùng với Giáo hội bước vào Tuần Thánh, sao cho ý nghĩa và đầy ơn sủng hơn mọi năm?

Phạm Đức Hạnh, SJ       

0 comments:

Post a Comment