Ê-dê-ki-en 47:1-9,12
1Khi ấy, thiên sứ dẫn
tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ
và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống
phía nam bàn thờ. 2 Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc
và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía
đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra. 3 Người ấy đi
ra phía đông, tay cầm dây đo, đo năm trăm thước rồi dẫn tôi đi qua nước: nước
ngập đến mắt cá chân. 4 Người ấy đo năm trăm thước nữa rồi
dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến đầu gối.
Người ấy lại đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập
đến ngang lưng. 5 Người ấy còn đo năm trăm thước nữa: đó
là một con sông, tôi không thể đi qua được vì nước đã dâng cao, khiến không thể
đi qua mà chỉ bơi mới được thôi. 6 Người ấy bảo tôi:
“Ngươi có thấy không, hỡi con người?”
Rồi người ấy dẫn tôi trở lại bờ sông. 7 Khi tôi trở
lại, thì này: có rất nhiều cây cối ở hai bên bờ sông. 8 Người
ấy bảo tôi: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra
biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. 9 Sông chảy đến
đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu,
thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. 12 Trên
hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không
bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh
điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để
làm thuốc.”
(Trích Sách Ê-dê-ki-en, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay tôi được mời
gọi cầu nguyện với lời Chúa từ Sách Ê-dê-ki-en.
Ê-dê-ki-en là một tiên tri lớn sống cùng thời với Tiên tri Giê-rê-mi-a,
khoảng năm 571 T.C.N. Trong khi Giê-rê-mi-a
rao giảng cho những người đang sống ở Giu-đa, Ê-dê-ki-en rao giảng cho những
người đang bị lưu đầy bên Babylon. Ê-dê-ki-en
là một tư tế nhưng ông cũng là một “nhà giảng thuyết đường phố”. Trong suốt 22 năm, Ê-dê-ki-en đã chuyên chăm
rao giảng lời Chúa cho dân. Ông không chỉ nói, nhưng ông còn sống những gì ông
rao giảng. Những lời rao giảng của ông
có thể chia làm ba phần chính: 1) Những tuyên sấm của ông về sự suy tàn của Giê-ru-sa-lem
rằng, vì đời sống xấu xa và quay lưng lại với Thiên Chúa nên sẽ có một ngày họ
sẽ bị quân Babylon chiếm đóng và bắt đi lưu đầy (ch. 1-24); 2) Những lời lên án
của ông về đời sống tội lỗi của các dân nước lân bang đang chống lại Thiên Chúa,
rồi sẽ có ngày họ sẽ phải hối hận và mang án phạt (ch. 25-32); 3) Những lời rao
giảng đầy hy vọng khi dân bị lưu đầy rằng, sẽ có ngày họ sẽ được khôi phục và
trở về xứ sở của mình (ch. 33-48). Bài đọc
hôm nay nằm ở phần 3. Ê-dê-ki-en dùng hình
ảnh biểu tượng đầy hy vọng để nói về một ngày không xa, dân sẽ được trở về phụng
thờ Thiên Chúa tại quê cha đất tổ, tại đền thờ Giê-ru-se-lem linh thiêng xưa. Khi ấy, mọi người sẽ cảm nghiệm ơn Chúa tràn
trề như những mạch nước trào tràn ở đền thờ làm hồi sinh mọi sinh vật héo úa và
ban sức sống cho mọi loài. Tôi muốn đọc
lại những lời tuyên sấm của Ê-dê-ki-en và học ở ông cách thức ông vực dậy niềm
hy vọng trong dân vào tương lai, dù hiện tại có bi đát như thế nào. Tôi có thể bắt chước ông cũng loan truyền niềm
hy vọng ở mọi nơi tôi hiện diện chăng? Chẳng
hạn như tình trạng đại dịch hiện nay, tình trạng thất nghiệp, đau bệnh, hoặc
hoàn cảnh khó khăn của một ai đó trong lúc này, tôi sẽ chọn nói những lời hy vọng
cho họ hay sẽ nói những lời làm cho họ hoang mang, gây chia rẽ trong cộng đồng
và nhụt chí hướng vào tương lai? Tôi hỏi
Chúa xem, Ngài muốn tôi rao giảng điều gì?
2.
Tôi đọc lại những lời
trên của Ê-dê-ki-en một lần nữa và để cho những dòng nước từ đền thờ mà ông nói
cũng chảy vào mọi ngõ ngách đời sống của tôi, của gia đình và cộng đoàn tôi, tưới
mát mọi chỗ khô cằn đang chết dần được hồi sinh, làm cho mọi vết thương và ô nhục
được chữa lành, làm cho mọi cuộc sống vốn đang sinh trái được sinh hoa kết trái
sum suê hơn.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment