Gioan 8:2-11
2Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống
giảng dạy họ. 3Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến
trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ
bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta
đứng ở giữa, 4rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này
bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5Trong Sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà
đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” 6Họ
nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7Vì
họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì
cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8Rồi Người lại cúi xuống viết
trên đất. 9Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu
từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một
mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì
đứng ở giữa. 10Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả
rồi? Không ai lên án chị sao?” 11Người
đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”
Đức Giê-su nói: “Tôi
cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi
chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay là
một câu chuyện nổi tiếng trong Phúc âm Gioan về lòng thương xót của Thiên Chúa
trước sự độc ác của lòng dạ con người.
Câu chuyện có ít nhất hai vấn đề nổi bật mà tôi có thể dùng để cầu
nguyện trong giờ cầu nguyện này. Thứ
nhất, đó là vấn đề đối xử bất công đối với nữ giới. Chuyện kỳ thị, trọng nam khinh nữ, không chỉ
là chuyện của thời đại hôm nay, nhưng đã là câu chuyện xưa lắm rồi. Từ xưa trong lịch sử, biết bao nhiêu người đã
lên tiếng và 2000 năm trước Chúa Giesu cũng đã nên tiếng bênh vực nữ giới,
nhưng cho đến hôm nay nữ giới vẫn bị đối xử bất công đến tàn bạo. Nữ giới chiếm ít nhất 50% tổng dân số thế
giới: họ là những người mẹ, những người vợ, những chị em gái trong nhà; họ luôn
luôn là con số đông hơn trong mọi sinh hoạt của giáo hội; trong những cuộc bách
đạo, họ là những người giúp duy trì đức tin trong các gia đình và các giáo xứ
thầm lặng. Ấy vậy mà, họ luôn luôn bị kỳ
thị, chống đối, áp bức, hành hạ, khinh miệt và là nạn nhân của các vụ bạo hành
trong gia đình, các vụ phá thai, các vụ buôn người, các vụ mãi dâm… Nếu tôi cầu nguyện và chỉ thấy câu chuyện này
là giả tưởng, của dân Do-thái 2000 năm trước, mà không thấy câu chuyện này là
của tôi, của gia đình tôi, của đất nước tôi để rồi cất lên tiếng nói nhằm thay
đổi lối nghĩ và lối sống để bảo vệ cho quyền của nữ giới, tôi thật sự là một Kito
hữu vô thần, vô cảm, vô tâm, vô tri, vô đạo đức, vô học và vô dụng. Tôi muốn dành giây phút này để đọc lại thật
kỹ câu chuyện trên, xin Chúa giúp tôi nhìn ra những bất công áp bức mà nữ giới quanh
tôi đang phải gánh chịu do sự phân biệt đối xử, mà chính tôi phần nào đang tiếp
tay. Tôi muốn cam kết với Chúa, từ nay
và khởi sự từ tôi, sẽ làm mọi sự có thể để ngăn chặn, giảm bớt nạn kỳ thị nữ
giới hiện nay.
2.
Thứ hai, sự tương
phản giữa lòng dạ hẹp hòi và đầu óc xét đoán đầy khắt khe của con người so với
lòng nhân hậu của Chúa Giesu. Tôi đọc
lại bài đọc trên để thấy: đâu là lòng dạ hẹp hòi và đầu óc xét đoán khắt khe của
những người trong câu chuyện trên? Tôi
có lòng dạ giống họ bao giờ chưa, khi nào?
Tôi cảm thấy thế nào về những lần tôi có lòng dạ độc địa ấy? Chúa Giesu không lên án bất cứ ai, Ngài mời
gọi mọi người phải suy nghĩ: Ai sạch tội
hãy ném đá trước đi. Tôi nghĩ sao về
lời này của Chúa Giesu? Tôi có thể áp
dụng câu nói của Chúa Giesu trước khi tôi nói xấu, xét đoán và lên án một ai đó
chăng? Tôi xin Chúa chữa lành cho những
người đã từng bị tôi ném đá, bằng những lời xầm xì nói xấu, xét đoán và lên án
của tôi. Tôi cũng xin cho được ơn chữa
lành về những vết thương do người khác đã ném đá tôi qua việc nói xấu và xét
đoán của họ. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện
hôm nay bằng bài hát, “Chuyện Người Đàn Bà
2000 Năm Trước,” của Song Ngọc, do Thế Sơn trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=Zv0Vm2OzTPk
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment