Sunday, January 31, 2021

Thứ Hai Tuần IV Thường Niên – Năm B –1-2-2021

Thu Hai IV TN

Mác-cô 5:1-20

1Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ sang bờ bên kia Biển Hồ, đến vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. 3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm.  Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá rạch mình. 6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7 và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông?  Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” 8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” 9 Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?”  Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” 10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. 12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” 13 Người cho phép.  Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo.  Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. 14 Các người chăn heo bỏ chạy, báo tin trong thành và thôn xóm.  Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo - chính người này đã bị Đạo Binh quỷ nhập vào.  Họ phát sợ. 16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người đi khỏi vùng đất của họ.

18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin được ở với Người. 19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào.” 20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh.  Ai nấy đều kinh ngạc.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bị quỷ ám này không chỉ đực ghi nhận trong Phúc âm Mác-cô mà thôi, nhưng còn trong Phúc âm Mát-thêu (8:28-34) và Luca (8:26-39) nữa.  Câu chuyện này xảy ra tại vùng đất dân Ghê-ra-sa, tức dân ngoại.  Sự ghi nhận của cả ba Phúc âm về câu chuyện này, như thể các ngài muốn nói với tôi: Chúa Giêsu không chỉ đến với người Do-thái, nhưng còn đến với cả dân ngoại nữa; như vậy, ơn cứu độ và tình thương của Thiên Chúa là mở ra cho mọi người tin nhận Ngài.  Hình ảnh này nói gì với tôi về đời sống đức tin và lòng nhân ái của tôi?  Tôi phải chia sẻ niềm tin và đức yêu thương của tôi cho mọi người quanh tôi, bất kể họ là ai, như thế nào?  Có khi nào tôi đã giới hạn đời sống đức tin và yêu thương của tôi chỉ trong gia đình, giáo xứ của tôi mà thôi, chẳng quan tâm gì đến thế giới bên ngoài?  Tôi chia sẻ suy nghĩ của tôi với Chúa Giêsu.  Tôi học được gì ở việc làm của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay?

2.      Ở đoạn kết của bài đọc hôm nay, người bị quỷ ám được chữa khỏi đã xin theo Chúa Giêsu; nhưng Ngài đã không cho, và nói anh ta hãy về nói cho mọi người biết về những gì Thiên Chúa đã làm cho anh ta.  Dù anh này là dân ngoại, nhưng đã vui mừng mà loan truyền khắp nơi về tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh.  Như vậy, anh ta đâu còn là dân ngoại nữa!  Hành động của anh ngoại đạo trên nghe như lời bài hát “Trời Chưa Muốn Sáng” của Trần Thiện Thanh, trong đó có câu: “Lạy Chúa tôi, con người không đạo, nhưng tin có Chúa ở trên cao.”  Người không đạo mà tin có Chúa thì đâu còn là ngoại đạo nữa!  Dấu chỉ của sự chữa lành là niềm vui, sự hoan lạc không thể giữ riêng cho mình, nhưng muốn loan tin cho mọi người được biết.  Tôi có kinh nghiệm được Chúa chữa lành, yêu thương và tha thứ bao giờ chưa?  Niềm vui của tôi những lúc ấy như thế nào?  Niềm vui ấy còn đến bây giờ và còn muốn chia sẻ với mọi người chung quanh không?  Tôi muốn nhìn lại một ngày sống hôm qua, hoặc hôm nay, đâu là những giây phút tôi được gặp Chúa, được Ngài yêu thương hoặc chữa lành.  Tôi có vui không?  Niềm vui này đang tác động trong tâm hồn tôi ra sao, đang dẫn tôi đi đâu và đang thúc đẩy tôi làm gì?  Tôi sẽ đi đâu, đến với những ai và sẽ làm gì trong ngày hôm nay để vinh danh Chúa hơn?  

Phạm Đức Hạnh, SJ    

Saturday, January 30, 2021

Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên – Năm B – 31-1-2021

CN IV TN

Mác-cô 1:21-28

21Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. 23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?  Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì?  Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.  Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là câu chuyện, lần đầu tiên Chúa Giêsu về quê hương của Ngài, rao giảng và làm phép lạ tại đó.  Dân chúng sửng sốt vì những lời Chúa Giêsu giảng, rất mới lạ và đầy uy quyền, không giống như các kinh sư đã giảng.  Đây là một chi tiết đáng chú ý trong bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu bắt đầu hành trình rao giảng từ quê hương của Ngài, trước nhất.  Điều này cho tôi thấy, việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cần phải bắt đầu từ chỗ tôi quen thuộc nhất, gần gũi nhất.  Điều này không có ý thiên vị, như là ưu đãi quê nhà của tôi hơn những nơi khác, nhưng mà dễ dàng cho tôi nhất trong những bước đầu của sứ vụ, nhưng quan trọng hơn đó là cần phải cảm hóa những nơi tôi quen thuộc trước nhất.  Bởi thế công việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa phải bắt đầu, trước hết, trong gia đình của tôi, những người thân quen hàng xóm của tôi.  Bởi lẽ, tôi cần cảm hóa những người thân cận của tôi trước khi cảm hóa những người xa lạ.  Điều này cũng gần với một câu nói của Khổng Tử: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.  Tôi cần phải thay đổi tôi trước, rồi đến những người thân cận và rồi toàn dân thiên hạ.  Tôi đã làm điều này chưa?  Tôi đã thăng tiến bản thân và sống gương mẫu như thế nào trước mặt con cái và mọi người trong nhà, để biến gia đình tôi, xứ đạo tôi trở thành những mẫu mực của đức tin Kito giáo đến toàn thế giới?

2.   Điểm đáng chú ý thứ hai nữa trong bài đọc hôm nay, đó là: Ma quỷ biết rõ danh tánh của Chúa Giêsu.  Ở những nơi khác, chúng còn biết và trích dẫn Kinh Thánh nữa (Mt 4:1-11).  Như vậy, không phải bất cứ ai trích dẫn Kinh Thánh, nói rất rành về Thiên Chúa mà đã chắc người đó thuộc về Thiên Chúa, hay đang làm việc cho Chúa.  Đây là kinh nghiệm mà tôi có thể thường thấy xảy ra trong tôi.  Có phải chăng, hàng tuần tôi vẫn đi lễ và rước lễ; mỗi ngày tôi vẫn đọc kinh vang cả phố phường, vậy mà tôi vẫn chanh chua, lừa lọc, chửi bới, hận thù, ganh ghét NHƯ QUỶ đó thôi?  Có lẽ một câu hỏi khác nữa tôi cần phải tự hỏi trong giờ cầu nguyện này, đó là: Tôi có đang bị thần ô uế hay quỷ câm nào ám không?  Nếu không, sao tôi luôn cảm thấy ngại ngùng, khó đến không nói được những lời yêu thương với mọi người chung quanh, như: Tôi (linh mục) xin lỗi quý ông bà anh chị em; Ba xin lỗi con; Con biết ơn ba mẹ; Anh tha lỗi cho em; Con làm điều này hay quá; dù là mẹ, mẹ vẫn cần học ở con điều này...điều kia…?  Trái lại, mỗi lần tôi mở miệng ra là: tiêu cực, chua chát, gắt gỏng, thô lỗ, cay cú, chửi bới, nói xấu, miệt thị, thành kiến, hận thù và chia rẽ với đủ mọi người.  Tôi nói và diễn tả những tiêu cực này rất điêu luyện mỗi ngày, như thể đây là bản năng của tôi.  Tôi muốn nói gì và xin gì cùng Chúa Giêsu trong lúc này?  Xin được ơn chữa lành khỏi bị quỷ ô uế và câm ám chăng?  Tưởng cũng là một ơn rất cần thiết, nhờ vậy tôi mới làm cho gia đình và xứ đạo tôi được bình an, hiệp nhất và chan hòa yêu thương.     

    

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Friday, January 29, 2021

Thứ Bảy Tuần III Thường Niên – Năm B – 30-1-2021

Thu Bay III TN

Mác-cô 4:35-41

35Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.  Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”  Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế?  Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” 41 Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện khá thú vị, nhưng cũng rất gần gũi với đời sống đức tin của tôi.  Chúa Giêsu và các môn đệ dùng thuyền rời khỏi đám đông để đi đến một chỗ mới.  Đang lúc ở trên thuyền, cuồng phong nổi lên và sóng ập vào làm cho thuyền đầy nước.  Các môn đệ hoảng loạn, sợ đến chết được; trong khi đó, Chúa Giêsu lại cứ ngủ yên như chẳng có chuyện gì xảy ra, khiến các ông phải đánh thức và trách móc Ngài.  Tôi có thể hình dung cảnh tượng này cho trong giờ cầu nguyện hôm nay: Gió bão như điên cuồng muốn lật nhào con thuyền bé nhỏ.  Các môn đệ cuống quýt hò hét lẫn nhau, mọi người ai nấy làm bất cứ điều gì để chống bão: người tát nước, kẻ kéo buồm, người chèo chống…, người đánh thức Chúa Giêsu và trách móc Ngài!  Nếu tôi trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ làm gì với tình thế?  Thái độ của tôi đối với Chúa Giêsu sẽ như thế nào?  Đâu là những cơn bão trong cuộc sống hiện tại của tôi?  Tôi đã làm gì?  Tôi có tin đủ để cầu khẩn cùng Chúa?  Tôi có dám thật lòng cầu khẩn và trách móc Chúa?  Chúa đã đáp lời tôi những lúc đó như thế nào?  Có khi nào tôi nghĩ Chúa đi vắng, đang ngủ, hay vô tâm?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này về những lúc ấy? 

2.      Chúa Giêsu thức dậy, quát bảo gió biển và chúng trở nên yên lặng.  Giờ đến phiên Chúa Giêsu trách móc các môn đệ: “Sao nhát thế?  Sao mà hèn tin?”  Đức tin của tôi ở đâu mỗi khi gặp phải những sóng gió trong cuộc đời?  Tôi có thấy Chúa đang hiện bên tôi và trong tôi không, hay tôi chỉ thấy giông bão thôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về niềm tin và thái độ của tôi những lúc ấy?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, January 28, 2021

Thứ Sáu Tuần III Thường Niên – Năm B – 29-1-2021

Thu Sau III TN

Mác-cô 4:26-34

26Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.”

30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây?  Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”

33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn.  Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay bao gồm hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa.  Thứ nhất, Nước Thiên Chúa được ví như hạt giống của nhà nông được gieo trong ruộng.  Ngày hay đêm, hạt giống cứ âm thầm nảy mầm, thành cây, trổ bông và sinh trĩu hạt.  Như vậy, tôi có thể thấy Thiên Chúa rất lạc quan và đầy hy vọng, một khi hạt đã được gieo, chắc chắn sẽ nảy mầm và sinh hoa kết hạt.  Nhà nông không phải là người làm cho hạt nảy mầm, chính Thiên Chúa đã đặt nơi hạt giống và nơi lòng đất khả năng làm cho hạt trổ sinh.  Tôi có thể dùng dụ ngôn này để suy niệm trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Dẫu hạt nảy mầm và trổ sinh hoa quả, không phải là việc làm của tôi, một nhà nông, nhưng Chúa vẫn cần đến tôi cho công việc tối cần thiết ban đầu, đó là: gieo hạt.  Tôi có thể xem lại bao lâu nay tôi đã gieo hạt Nước Thiên Chúa ở những nơi đâu, và tôi có thực sự gieo hạt Nước Thiên Chúa hay thứ hạt nào?  Tôi có thể cùng Thiên Chúa chiêm ngắm những hạt giống Nước Thiên Chúa đang trổ sinh hoa trái như thế nào.  Dụ ngôn như cho thấy Thiên Chúa rất hy vọng và lạc quan, điều này như Ngài muốn thúc đẩy tôi phải lên đường, phải gieo giống, không được trì hoãn, không được bi quan.  Tôi có lạc quan khi gieo chăng, bởi Chúa sẽ chịu trách nhiệm làm cho hạt trổ sinh, không phải tôi.  Tôi nói sao với Chúa về công việc này?    

2.      Thứ hai, dụ ngôn Nước Thiên Chúa ban đầu khi mới được gieo chỉ nhỏ như hạt cải, một loại hạt nhỏ nhất trong mọi thứ hạt, vậy mà khi nó trổ sinh, lại trở thành cây rau to lớn, đến nỗi chim trời đến nương náu trên cành nó.  Một lần nữa, tôi lại thấy Thiên Chúa của tôi là một Thiên Chúa rất lạc quan.  Điều này nói gì về những việc làm trong đời sống hằng ngày của tôi?  Có khi nào tôi cảm thấy những việc làm rất tầm thường, rất nhỏ bé, rất âm thầm của tôi lại có thể sinh ơn ích rất lớn cho nhiều người, lại có thể góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa không?  Có khi nào tôi nghĩ dạy con học bài, tắm rửa cho cha mẹ già, chào hỏi những người hàng xóm, giúp đỡ những đồng nghiệp, ân cần thăm hỏi một người đang gặp khó khăn là tôi đang xây dựng Nước Thiên Chúa không?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi để ý xem Chúa nói gì với tôi về những việc tốt lành thường ngày của tôi?

Phạm Đức Hạnh, SJ


Wednesday, January 27, 2021

Thứ Năm Tuần III Thường Niên – Năm B – 28-1-2021 – Lễ Thánh Tô-ma Aquinas

Thu Nam III TN

Mác-cô 4:21-23

21Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?  Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? 22 Vì chẳng có gì che giấu mà không được tỏ lộ, chẳng có gì bí ẩn mà không được đưa ra ánh sáng. 23 Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tiếp tục những dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã nói trong bài đọc hôm qua, bài đọc hôm nay, Ngài nói: Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?  Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?”  Câu nói này thật khó hiểu.  Bởi “đèn” mà Chúa Giêsu nói ở đây là gì, là ai?  Ai là người mang đèn tới, Chúa hay tôi?  Nếu tôi so sánh câu này, từ Phúc âm Mác-cô, với một câu khác trong Phúc âm Mát-thêu, vấn đề sẽ rõ hơn.  Trong Phúc âm Mát-thêu, Chúa Giêsu nói: Chính các con là ánh sáng cho trần gian.  Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.  Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.  Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha của các con, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:14-16).  Như vậy, chính tôi là ánh sáng, là ánh đèn mà Thiên Chúa đã tạo dựng, không để cất giấu tôi dưới gầm giường, nhưng đặt tôi lên giá cao giữa gia đình tôi, giữa cộng đoàn tôi, giữa cuộc đời này để tôi tỏa sáng cho mọi người.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nhìn vào đời sống của tôi, đèn trong tôi có còn cháy sáng không, hay đã tắt từ bao giờ, hoặc chỉ còn cháy lim dim, chẳng sáng đủ để xua tan đàn muỗi quanh tôi?  Đâu là những lần và đâu là những nơi tôi đã tỏa sáng và mọi người đang tận hưởng ánh sáng của tôi ra sao?  Tôi nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?

2.      Thứ đến, Chúa Giêsu cũng nói: Chẳng có gì che giấu mà không được tỏ lộ, chẳng có gì bí ẩn mà không được đưa ra ánh sáng.”  Câu nói này của Chúa Giêsu cũng gần với một câu tục ngữ Việt Nam: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng,” nghĩa là: môi trường đóng một vai trò quan trọng, tác động trên mọi người và mọi vật.  Như vậy, sự hiện diện của tôi rất quan trọng đối với mọi nơi tôi đến.  Nó làm cho nơi ấy không còn tối tăm, không còn gì mờ ám.  Tôi đã làm chức năng này như thế nào, tôi đã tỏa sáng hay tôi đã làm cho nơi ấy tôi đi hay tối hơn?  Tôi lấy giây phút này mà xét mình và để Chúa thêm dầu cho đèn của tôi được cháy sáng mãi.  Tôi cũng lấy lời của Thánh I-nha-xi-ô Loyola làm kim chỉ nam cho đời sống của tôi, kể từ nay: Người nào mang Chúa trong tim sẽ mang cả thiên đàng bên mình ở mọi nơi người ấy tới."   

Phạm Đức Hạnh, SJ   

Tuesday, January 26, 2021

Thứ Tư Tuần III Thường Niên – Năm B – 27-1-2021 – Lễ Thánh Angela Merici, Đồng Trinh

Thu Tu III TN

Mác-cô 4:1-9

1Khi ấy, Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ.  Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống ngồi trên thuyền đang đậu dưới biển, còn tất cả dân chúng thì ở trên bờ. 2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều.  Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:3 “Các người nghe đây!  Người gieo giống đi ra gieo giống. 4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. 8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt được ba chục, hạt được sáu chục, hạt được một trăm.” 9 Rồi Người nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn đã rất quen thuộc với nhiều Kito hữu.  Bởi thế, xin đừng để quá quen mà hóa nhàm, bỏ qua những chi tiết rất quan trọng của dụ ngôn.  Thứ nhất, nếu đã từng làm nghề nông, phải gieo hạt mỗi mùa, tôi sẽ rất dễ nhận ra một điều rất lạ trong dụ ngôn này, đó là: người gieo giống này đã gieo một cách phung phí và xả láng, khiến cho hạt giống không chỉ rơi trên đất tốt mà còn rơi cả những chỗ sỏi đá, bụi gai và vệ đường.  Tôi có thể kết luận: người gieo này quá bất cẩn, gieo hạt một cách bừa bãi.  Không phải thế đâu.  Người gieo đây chính là Thiên Chúa đi gieo lời của Ngài.  Chúa Giesu thật sự muốn nói Chúa Cha không phải là người keo kiệt hay bủn xỉn, nhưng rất lạc quan và rộng lượng vượt sức tưởng tượng của tôi, Ngài đã ban Ngôi Lời là Chúa Con cho mọi người, bất kể họ là những người tốt, người khô cằn sỏi đá, người tội lỗi gai góc, hay người dưng vệ đường.  Tôi có thấy đây là một niềm vui và ân sủng lớn lao mà Thiên Chúa luôn quá xả láng tình yêu của Ngài cho tôi, đến mức như thể quá phung phí?  Tôi đón nhận như thế nào, và biết ơn Thiên Chúa ra sao?  Tôi nói chuyện với Ngài trong lúc này.

2.      Thứ hai, Thiên Chúa là Đấng rất lạc quan và luôn hy vọng ở hạt giống Ngài đã gieo, chắc chắn chúng sẽ nẩy mầm.  Vấn đề có sinh hoa kết trái không là tùy ở đất.  Nếu đó là đất tốt sẽ sinh nhiều hoa quả.  Nếu đó là sỏi đá, cây sẽ không bén rễ được sâu.  Nếu đó là bụi gai, cây sẽ bị chết ngộp.  Nếu đó là vệ đường, hạt chưa nẩy mầm đã bị cướp mất.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể xem lại đời sống của tôi, được bao nhiêu hạt đã nẩy mầm và sinh hoa trái?  Nếu Chúa đến thăm thửa ruộng cuộc đời tôi lúc này, Ngài sẽ rất vui và hãnh diện về tôi, hay Ngài sẽ ngẩn ngơ thất vọng?  Điều gì đã giúp cho hạt giống Lời Chúa trong tôi sinh hoa quả?  Điều gì đã làm cho hạt giống Lời Chúa trong tôi không bén rễ sâu, chết ngạt, hoặc bị cướp mất?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giesu về thửa ruộng cuộc đời tôi?       

Phạm Đức Hạnh, SJ       

Monday, January 25, 2021

Gương Thành Công - Mary Kay Ash – NỮ DOANH NHÂN MỸ XUẤT SẮC NHẤT THẾ KỶ 20

Nu Doanh Nhan Xuat Sac TK 20 

Lãnh đạo doanh nghiệp kiêm doanh nhân Mary Kathlyn Wagner sinh ngày 12-5-1918 tại Thành phố Hot Wells, bang Texas.  Bà là người tiên phong trong nữ giới về lãnh vực kinh doanh, và đã tạo nên một đế chế mỹ phẩm lớn mạnh vào bậc nhất của Mỹ.  

Mary Kay kết hôn với Ben Rogers, ở tuổi 17, và sớm có ba người con.  Trong thời gian chồng bà phục vụ trong Thế chiến II, bà đã làm công việc bán sách bằng cách gõ cửa từng nhà.  Thật ngạc nhiên, chỉ trong vòng sáu tháng, bà đã bán được $25.000 Mỹ kim.  Sau khi chồng bà được giải ngũ năm 1938, họ ly hôn, và bà đã quyết định đổi nghề, làm việc cho Stanley Home Products.  Mặc dù là một trong những người bán được nhiều hàng nhất, nhiều lần bà đã không được thăng chức và còn bị trả lương không bằng lương của những nam đồng nghiệp.  Sau 25 năm làm việc chăm chỉ, bà về hưu vào năm 1963.

Không hài lòng với cách mà bà đã bị đối xử trong thế giới kinh doanh do nam giới thống trị, Mary Kay bắt đầu viết xuống tất cả những tiêu cực và tích cực mà bà đã trải qua khi làm việc cho những chủ cũ.  Sau khi viết ra những điều này, bà đã có một kế hoạch hoàn hảo cho một công ty thành công mà bà muốn thành lập.

Với số tiền tiết kiệm được $5.000 Mỹ kim và với sự giúp đỡ của cậu con trai 20 tuổi, Mary Kay đã mở cửa hàng đầu tiên rộng 500 mét vuông tại Dallas vào năm 1963, với thương hiệu mỹ phẩm Mary Kay Inc.  Mới đầu công ty chỉ có 9 tư vấn làm đẹp.  Bà đã đặt triết lý của công ty dựa trên căn bản niềm tin Kito của bà.  Bà nói với những nhân viên của bà rằng, cần phải đặt cho cuộc sống những ưu tiên: trước hết là Thiên Chúa, sau là gia đình và thứ ba mới là công việc.  Với hướng dẫn này, bà đã nâng đỡ các nữ nhân viên và trao cho họ những cơ hội mới để đạt tới thành công về tài chánh cũng như đời sống cá nhân của họ.

Một trong những chiến lược hiệu quả nhất của Mary Kay là khuyến khích.  Năm 1969, những chiếc Cadillac màu hồng đã được trao cho những ai bán được nhiều hàng nhất.  Những chiếc ghim kim cương là một động lực khác để giữ cho các nữ doanh nhân luôn phải nỗ lực hết mình.  Với ba mươi bảy thị trường trên toàn thế giới và hơn 350.000 chuyên gia tư vấn, Mary Kay Inc. hiện đạt doanh thu hơn $1 tỷ Mỹ kim tại mười chín quốc gia.

Tạp chí Fortune đã đưa Mary Kay Inc. vào trong danh sách “100 công ty tốt nhất để làm việc ở Mỹ.”  Mary Kay Inc. cũng được vinh danh là một trong mười công ty tốt nhất cho nữ giới làm việc.  Những công nhận gần đây nhất của bà là “Giải thưởng Công lý Bình đẳng” (Equal Justice Award) từ Dịch vụ Pháp lý Bắc Texas năm 2001, và “Nữ Doanh Nhân Xuất Sắc Nhất Thế kỷ 20” từ Lifetime Television năm 1999.

Năm 1996, Mary Kay bắt đầu thành lập Quỹ từ thiện Mary Kay Ash, sau khi chứng kiến nỗi đau và cái chết của chồng vì bệnh ung thư hồi năm 1980.  Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, trợ cấp tài chánh cho việc nghiên cứu các bệnh ung thư ở nữ giới, đồng thời luôn nỗ lực giúp chấm dứt mọi bạo lực đối với nữ giới bằng cách hỗ trợ các nhà tạm lánh và các chương trình giáo dục cho nữ giới.

Mary Kay là tác giả của ba cuốn sách bán chạy nhất.  Đầu tiên là cuốn tự truyện của bà, Mary Kay, đã bán được hơn 1 triệu bản.  Cuốn thứ hai của bà, Mary Kay về Quản lý Con người (Mary Kay on People Management), dựa trên triết lý kinh doanh của bà và đã được đưa vào các khóa học kinh doanh tại Đại học Harvard.  Cuốn thứ ba của bà, Bạn Có Thể Có Tất Cả (You Can Have It All), đã là sách bán chạy nhất chỉ một ngày sau khi được giới thiệu.

Mary Kay Ash qua đời năm 2001.  Bà nổi bật là một trong những doanh nhân lớn của Mỹ.  Câu chuyện của bà là duy nhất, ý tưởng của bà thật táo bạo, và hành động của bà đầy tính cách mạng.  Chúng đã mở ra những cánh cửa cơ hội mới cho nữ giới và để lại dấu ấn khó phai mờ trong nền văn hóa Mỹ.  Báo cáo doanh thu năm 2014 của Tạp chí Forbes cho biết, hiện nay Công ty Mỹ phẩm Mary Kay Inc. đã có tới hơn $3,5 tỷ Mỹ kim.

Những câu nói để đời của Mary Kay: -"Đừng giới hạn bản thân.  Nhiều người tự giới hạn bản thân trong những gì họ nghĩ là họ có thể làm được.  Bạn có thể đi xa như những gì trí óc bạn cho phép.  Những gì bạn tin, hãy nhớ rằng bạn có thể đạt được."  -"Bạn có biết rằng sức mạnh bên trong của bạn nằm ở mỗi bước bạn mơ ước được bước và trong sức mạnh của bạn chứa đựng mọi niềm vui mà bạn từng mơ thấy?  Bên trong chính con người của bạn là tất cả những gì bạn từng mơ ước.  Hãy trở thành người mà Chúa muốn bạn trở thành.  Đó là điều trong tầm tay của bạn.  Hãy dám vươn tới những ước mơ của bạn với phương châm: “Hãy Là Chính Mình (Let It Be Me)."\

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thứ Ba Tuần III Thường Niên – Năm B – 26-1-2021 – Lễ Thánh Timothy và Titus, Giám Mục

Thu Ba III TN 

Luca 10:1-9

1Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi.  Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.  Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.  Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay vẫn được dùng trong những buổi nói chuyện hoặc các Thánh lễ cầu nguyện cho ơn gọi tu trì.  Tuy nhiên, lời Chúa Giêsu gọi và sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng thì, vào thời điểm ấy, làm gì đã có ơn gọi tu trì linh mục, nữ tu như ngày nay.  Con số bảy mươi hai là một con số đông, trong đó không chỉ có nam mà có cả nữ nữa, nói chung Chúa gọi rất nhiều người ngày xưa cũng như ngày nay.  Tôi có cảm thấy Chúa Giêsu cũng đang gọi và chờ câu trả lời của tôi không?  Chúa Giêsu sai các môn đệ đi với một lời dặn dò rất đáng sợ: Thầy sai các con đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.  Đồng thời khi đi, không được mang theo tiền, bao bị, giày dép.  Đã đi vào giữa bầy sói mà lại không được mang theo những thứ tùy thân, lại càng sợ hãi hơn.  Nhưng xét cho cùng, nếu đã ở giữa bầy sói rồi, có tiền thì làm gì được chứ?  Có khi nào tôi đã có kinh nghiệm rao giảng và làm chứng cho Chúa ở giữa bầy sói chưa?  Tôi cảm thấy thế nào về tương quan giữa tôi với Chúa?  Tôi kể cho Chúa nghe được không?

2.      Lời dặn của Chúa Giêsu rất rõ khi đi rao giảng tin mừng, đó là: Hãy đi đến từng nhà và rao giảng sự bình an trước nhất.  Sau đó, ở lại và ăn uống với chủ nhà với tất cả nhiệt tình, không đòi hỏi.  Tôi chú ý đến lời chỉ dẫn này: Đi vào nhà người ta.  Rao giảng tin mừng là đi đến và đi vào nhà người ta, chứ không ngồi ở nhà tôi và chờ hoặc gọi người ta đến.  Tức là gặp họ ở chỗ họ là.  Có khi nào tôi đã áp dụng lời dạy này của Chúa Giêsu để đến với những người không cùng niềm tin với tôi, đến với con cái của tôi, bạn hữu của tôi?  Tôi cảm thấy như thế nào những lần đó?  Tôi chia sẻ với Chúa về kinh nghiệm này.  Có khi nào tôi chờ hoặc bắt người ta, con cái phải đến với tôi để có được sự bình an của Chúa?  Tôi nghĩ Chúa Giêsu hậu thuẫn cách này của tôi không hay Ngài thất vọng?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?   Tôi nghĩ ngày hôm nay Chúa Giêsu sẽ gởi tôi đi đâu và làm gì?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này để được nghe rõ và để được nâng đỡ chỉ bảo.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Đường Con Đi,” của Nguyễn Duy, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=u4p4SZHFp2k

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 24, 2021

Thứ Hai Tuần III Thường Niên – Năm B – 25-1-2021 – Lễ Thánh Phao-lô Trở Lại

Thu Hai III TN

Công Vụ Tông Đồ 22:3-16

3Hôm đó, ông Phao-lô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt.  Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. 4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, 5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi.  Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.

6“Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. 7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: ‘Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’ 8 Tôi đáp: ‘Thưa Ngài, Ngài là ai?’ Người nói với tôi: ‘Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.’ 9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. 10 Tôi nói: ‘Lạy Chúa, con phải làm gì?’ Chúa bảo tôi: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.’ 11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.

12“Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt. 13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: ‘Anh Sa-un, anh thấy lại đi!’ Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. 14 Ông nói: ‘Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. 15 Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. 16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa?  Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.”

(Trích Sách Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ Thánh Phao-lô trở lại.  Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, trước khi theo Chúa Giêsu, ông là một người Pha-ri-sêu, rất sùng đạo Do-thái và giữ luật rất nghiêm túc.  Lòng nhiệt thành ấy đã thúc đẩy ông chống đối và thù ghét tất cả những ai, cụ thể là những người đi theo Chúa Giêsu, đang đi nghịch lại với Do-thái giáo.  Tuy nhiên, ông đã bị Chúa Giêsu biến đổi.  Ngài đã gặp Phao-lô ở những lúc ông đang hăng say và nhiệt thành nhất.  Có thể nói, không một ngôn ngữ nào rõ ràng, gần gũi, sâu kín, riêng tư, mạnh mẽ và quen thuộc với tôi cho bằng các tài năng và niềm đam mê của tôi, cái mà tôi luôn thích nói về nó, hãnh diện chia sẻ và mọi người biết tôi qua nó, đồng thời tìm được động lực sống mỗi ngày.  Có lẽ đây là điểm tôi có thể dừng lại để suy niệm trong giờ cầu nguyện này, và tự hỏi: Đam mê, tài năng, sở thích, và lòng nhiệt thành của tôi là gì?  Bất kể chúng thánh thiện hay xấu xa, tích cực hay tiêu cực, miễn là chúng rất quan trọng đối với tôi.  Chúa cũng rất quý trọng chúng, và đang muốn nói chuyện với tôi qua chúng.  Tôi nghe thấy không?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những đam mê, tài năng, sở thích, và lòng nhiệt thành này?  Nếu chúng tiêu cực, Chúa có thể giúp tôi định hướng lại những lệch lạc ấy, như Ngài đã làm với Phao-lô và các thánh trong giáo hội.  Nếu chúng tích cực, Chúa có thể làm cho nó tốt hơn nữa.       

2.      Chúa Giêsu đến gặp Phao-lô ở chính những gì ông đang đam mê và nhiệt thành nhất, và Phao-lô đã dám hỏi Ngài một câu thật quan trọng: “Lạy Chúa, con phải làm gì?”  Thế rồi ông, ông đã lắng nghe và đã sống như những gì Chúa Giêsu dạy cho đến cuối đời.  Tôi có thể và dám hỏi Chúa Giêsu câu hỏi tương tự như vậy không?  “Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con phải làm gì với những đam mê, tài năng, sở thích và lòng nhiệt huyết mà con đang có?”  Tôi hỏi và lắng nghe xem Chúa Giêsu chỉ dạy tôi phải làm gì với những đam mê, tài năng, sở thích và lòng nhiệt huyết đang sôi sục trong tôi, kể từ hôm nay cho đến cuối đời.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 23, 2021

Chúa Nhật Tuần III Thường Niên – Năm B – 24-1-2021 – Chúa Nhật Lời Chúa

 CN III TN

Gn 3:1-5, 10

1Có lời Đức Chúa phán với ông Giô-na rằng: 2 “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” 3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời Đức Chúa phán.  Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. 4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” 5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. 10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, và đã không giáng xuống nữa.

(Trích Sách Giô-na, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sách Giô-na là một tập sách rất ngắn trong Kinh Thánh Cựu Ước, xuất hiện vào khoảng năm 785-760 T.C.N.  Đây là một loại sách mang tính dụ ngôn, bao gồm những câu chuyện giả tưởng.  Cụ thể, tôi có thể tìm thấy trong sách này nhiều hình ảnh rất phóng đại và có tính hoang đường, như: thành Ni-ni-vê rộng ba ngày đường, từ vua quan đến thường dân, đến cả thú vật đều sám hối, mặc áo nhặm, ăn chay và ngồi trên đống tro…, hoặc tiên tri Giô-na bị cá mập nuốt vào bụng ba đêm ngày, sau đó nhả ông lại trên bờ, vậy mà ông vẫn còn sống và tiếp tục đi rao giảng!  Khác với các sách tiên tri khác thường tập trung vào lời tiên tri của các ngài, Sách Giô-na tập trung vào cuộc đời của Giô-na qua đó chuyển tải thông điệp của Thiên Chúa dành cho dân riêng của Ngài, Ít-ra-en.  Trong bài đọc hôm nay, Giô-na đi rao giảng cho dân thành Ni-ni-vê, kẻ thù không đội trời chung của dân Ít-ra-en.  Ngay ở điểm này tôi có thể thấy một thông điệp quan trọng mà tác giả muốn nói với tôi, đó là: Dân Ít-ra-en rất tự hào là dân riêng của Chúa, vì thế ơn cứu độ chỉ có thể ban cho họ mà thôi, còn dân Ni-ni-vê chỉ đáng bị Thiên Chúa nguyền rủa và chúc dữ.  Thế nhưng, Thiên Chúa không phải như vậy.  Hành động Giô-na bị Chúa bắt phải đi rao giảng sự thống hối cho dân Ni-ni-vê vì Ngài cũng thương họ nữa.  Đây là điểm tôi có thể suy niệm trong giờ cầu nguyện này: Đâu là những lần tôi có đầu óc hẹp hòi, óc lên án với những người chung quanh?  Cụ thể như cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, đợt bầu cử tại Mỹ vừa qua, cùng những mối bất hòa với những người quanh tôi gần đây, tôi có chì chiết và miệt thị những người không cùng chính kiến, không cùng đảng phái và không ưa với tôi bằng những tên gọi rất hạ cấp, thua con người, thậm chí thua cả súc vật nữa?  Tệ hơn nữa, tôi lại còn xin Chúa phạt cho chúng chết nhăn răng?  Tôi nghĩ Chúa nhậm lời tôi cầu nguyện như vậy không, hay Chúa muốn tôi có lòng nhân?  Tôi nói chuyện với Chúa về những cảm nghĩ của tôi về sự hận thù, về đức bác ái của tôi, về tình yêu vô điều kiện của Chúa dành cho hết mọi người.

2.      Sách Giô-na kể: Dân Ni-ni-vê đã sám hối ăn năn và Thiên Chúa đã hối tiếc vì đã tuyên bố sẽ phạt họ.  Giô-na dùng một kiểu nói rất táo bạo: Thiên Chúa “hối tiếc”.  Dĩ nhiên, không phải Thiên Chúa hối tiếc, vì Ngài không thể sai, và cũng không bao giờ đánh phạt một ai.  Nhưng kiểu nói này là để nói về dân Ít-ra-en, mà Giô-na là đại diện, hối tiếc vì đã nhân danh Thiên Chúa chúc dữ, nguyền rủa dân Ni-ni-vê.  Dân Ít-ra-en có thể hối tiếc về những ác tâm của họ, tôi có hối tiếc về những suy nghĩ và hành động đầy ác tâm, ác đức của tôi đối với những người tôi không ưa chăng?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?      

Phạm Đức Hạnh, SJ