Saturday, August 8, 2020

Chúa Nhật Tuần XIX Thường Niên – Năm A – 9-8-2020

 

CN XIX TN

1 Vua 19:9a, 11-13a

9aKhi ngôn sứ Ê-li-a tới núi Khô-rếp là núi của Thiên Chúa, ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó.  Có lời Đức Chúa phán với ông: 11 “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.  Kìa Đức Chúa đang đi qua.”  Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão.  Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. 12 Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.  Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. 13a Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang.

(Trích Sách Các Vua I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có thể cho tôi hai gợi ý quan trọng về cầu nguyện.  Thứ nhất, đó là Ngôn sứ Ê-li-a đi vào một cái hang và nghỉ ngơi tại đó.  Khi làm như vậy, ông cảm nhận lời Chúa nói với ông rằng, Ngài sẽ đến gặp ông và ông bắt đầu chờ đợi.  Cuối cùng, Chúa đã đến.  Nói đến “cái hang” là nói đến một sự cô tịch, vắng lặng, riêng tư, không tiếng động ồn ào, không bị chi phối và không bóng người qua lại.  Đây chính là hình ảnh gợi ý cho một giờ cầu nguyện sâu lắng.  Cầu nguyện là đi vào cõi sâu thẳm của tâm hồn tôi, nơi ấy riêng tư lắm, sâu lắng lắm, thầm kín lắm, mà chẳng ai biết, chẳng ai hiểu, chẳng ai thấy, chẳng ai vào được, chỉ có Chúa.  Giờ đây tôi muốn đi vào cõi sâu thẳm của lòng tôi, để ở đó, tôi được nghỉ ngơi thực sự, để không một ai và không một cái gì có thể quấy rầy tôi được.  Một khi tôi lắng đọng thật sự, tôi sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa, tôi sẽ nghe được những gì Chúa muốn nói với tôi, tôi sẽ cảm được sự yêu thương, đỡ nâng và sự tiếp sức mà Chúa đang dành cho tôi.

2.      Thứ hai, đó là cách thức nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa.  Trong sự tĩnh lặng của cái hang mà ông đang nghỉ dưỡng, Ê-li-a đã chứng kiến cảnh gió bão ập đến, mạnh mẽ đến mức như xẻ núi non, nhưng Chúa đã không có mặt ở đó.  Sau gió bão là động đất, và sau cơn địa chấn ấy là lửa, nhưng Chúa cũng không có ở cả hai biến cố kinh hoàng này.  Cuối cùng, một cơn gió hiu hiu như chạm vào da thịt ông, ông đã ra cửa hang và gặp được Chúa.  Hình ảnh này nói gì với tôi?  Phải chăng, tôi đã chỉ tìm Chúa trong những giông bão của cuộc đời, và tôi đã thất vọng?  Có phải mỗi khi nghe tận thế, đại dịch, khủng bố, tai nạn, mắc những chứng bệnh hiểm nghèo, tôi mới bắt đầu thắp nến thắp nhang, vái tứ phương, hành hương tứ xứ, mặt chảy dài, đi lễ hằng ngày, cầu nguyện không ngớt, xưng tội như xé mình, nhưng rồi bàn thờ mạng nhện giăng đầy, kinh sách bụi phủ kín, nến nhang cong lại tôi chẳng buồn đốt, tay thôi chắp, gối quên quỳ, mắt không thể nhắm và lệ quên rơi ngay khi tai qua nạn khỏi?  Đó có phải là những lúc và những cách tôi vẫn tìm gặp Chúa?  Tôi có gặp Ngài trong những lúc đó hay tôi chỉ đánh lừa cảm tính của tôi?  Tôi muốn bắt chước Ê-li-a tìm gặp Chúa trong sự nhẹ nhàng, êm đềm của một ánh nắng ban mai, trong bóng đêm cô tịch của một ngày tàn, trong sự tầm thường và đều đặn của mọi ngày sống, và trong sự lặng lẽ như của giờ cầu nguyện này.  Giờ đây tôi muốn đi gặp Chúa, và nhờ bài hát “Lặng” của Trần Tuấn sẽ dẫn tôi vào sâu hơn trong sự hiện diện của Ngài: https://www.youtube.com/watch?v=eyNV04z9QGc  

Phạm Đức Hạnh, SJ       

0 comments:

Post a Comment