Rô-ma 11:13-15
13Thưa anh em, tôi xin ngỏ lời với anh em
là những người gốc dân ngoại. Với tư
cách là Tông Đồ các dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, 14 mong
sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được
một số anh em đó. 15 Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên
mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì,
nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?
(Trích Thư Rô-ma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Thư Rô-ma, chương 11, có thể nói là một chương rất đẹp và rất gần
gũi với tôi, với hoàn cảnh và những nỗi lo về đức tin trong gia đình tôi? Bởi trong đó tôi có thể đọc thấy, dù Phao-lô
đang là một tông đồ nhiệt thành cho dân ngoại, nhưng lòng ông cứ quặn đau, cứ
lo đau đáu, thương tiếc cho dân tộc của ông, một dân tộc tự hào là dân riêng của
Chúa, nhưng lại không nhận biết Thiên Chúa mà họ tôn thờ đã làm người trong một
con người cụ thể là Chúa Giêsu Kitô. Trong
khi đó, dân ngoại lại nhận ra, tin nhận Chúa Giêsu Kitô như nguồn ơn cứu độ và họ
tìm thấy sự tự do đích thực cho họ. Có
thể nói, Phao-lô trăn trở về Do-thái giáo như một chiếc tầu cũ mắc cạn trong bãi
sình lầy đầy rêu phong của những lề luật nghiêm khắc và lễ nghi rườm rà, khiến mọi
người như bị trói buộc, bị ngăn cản tiếp cận trực tiếp với Thiên Chúa một cách
thanh thoát và tự do. Tôi có cảm thấy những
lo lắng đau đáu của Phao-lô rất gần với những nỗi lo của tôi hôm nay, khi mà
ngày đêm tôi đang tìm đủ mọi cách để làm sao cho con cái và người thân của tôi
biết quý trọng, duy trì và sống đức tin vào Chúa Giêsu mà chúng đã được đón nhận
từ thủa nhỏ? Giờ cầu nguyện này, tôi muốn
đi vào những thao thức, quan tâm và lo lắng của Phao-lô để thấy, đó cũng là những
thao thức, quan tâm và lo lắng của tôi đối với những người thân trong gia đình. Tôi cần được Chúa và Phao-lô tiếp sức tôi
trong những thao thức, quan tâm và lo lắng của tôi.
2.
Tôi có thể đọc lại bài đọc trên, hoặc đọc cả chương 11 của Thư Rô-ma
và tiếp tục cầu nguyện, cũng như làm gương sáng đức tin trước mặt con cái và
người thân của tôi. Kể từ hôm nay, tôi
muốn rao giảng đức tin bằng gương sáng hơn là chỉ bằng lời nói. Tôi muốn sống đời sống cầu nguyện chuyên cần,
đời sống đức tin trưởng thành, đời sống xã hội đầy trách nhiệm, đời sống cá
nhân khôn ngoan hầu tôi trở thành một Kitô hữu thực sự tốt đạo và đẹp đời. Nhờ vậy, tôi trở thành gương sáng đức tin trước
mặt con cái và người thân của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment