Friday, August 28, 2020

Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 29-8-2020 – Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết

 

Thu Bay XXI TN

Mác-cô 6:17-29

17Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục.  Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông.  Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. 21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích.  Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề: “oCon xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?”  Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới.  Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Ở những nước độc tài như Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, người dân không được tự do biểu đạt chính kiến riêng, không được phê bình hay chỉ trích chính quyền và những người lãnh đạo, nhưng tại những nước dân chủ như Mỹ và Châu Âu, mọi người đều có quyền phản biện và tranh đấu để thay đổi những sai lệch trong hệ thống chính trị, thậm chí thay đổi cả chính thể của họ.  Ở đâu có phản biện, ở đó có phát triển mạnh.  Phản biện đóng góp rất lớn cho sự phát triển xã hội và quốc gia.  Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc viết về ích lợi của phản biện như sau: “Các chính quyền dân chủ lớn mạnh và vững mạnh từ các cuộc thảo luận và phản biện của dân chúng, đặc biệt, từ giới trí thức và các phe đối lập: Chúng giúp mọi người tìm ra một giải pháp tối ưu cho từng vấn đề.  Các chế độ độc tài, ngược lại, duy trì sự tồn tại của chúng trên sự im lặng và sự dửng dưng của mọi người.  Để nhà nước được độc quyền tự tung tự tác.”  Phản biện là một cái quyền căn bản của con người mà ai cũng được học và thực hành từ bé.  Người ta dùng nhiều cách để phản biện, kháng cự, mỗi khi bị áp bức.  Tuy nhiên, tính phản biện cao khi người ta dùng quyền này để tranh đấu cho những lợi ích của tập thể, hơn là cá nhân.  Phản biện bao giờ cũng có cái giá của nó, đôi khi rất đắt, bằng cả mạng sống.  Gioan Tẩy Giả trong bài đọc hôm nay đã dám phản bác thói vô luân của nhà vua, và điều này đã khiến ông phải bị tù và bị giết.  Tôi có thể làm gì và đã tận dụng mọi cách để thể hiện quyền phản biện của tôi, nhằm giúp cho cộng đồng và xã hội tôi tốt đẹp hơn?  Bầu cử là một hình thức bày tỏ chính kiến được nhiều người chấp nhận nhất.  Tôi thấy việc đi bầu là cách thể hiện quyền làm người, quyền phản biện, và ơn gọi Kitô hữu của tôi như thế nào?  Tôi theo dõi, thu tập thông tin đa chiều, từ những nguồn tin đáng tin cậy về các ứng cử viên và chính sách của họ, rồi tôi cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn tôi chọn lựa ứng cử viên nào đáng tin cậy nhất, trước khi bỏ phiếu. 

2.     Một điều có thể làm choáng váng tôi từ bài đọc hôm nay đó là, lòng dạ rất ác độc của Hê-rô-đi-a.  Bà đã khuyên con gái của bà xin vua Hê-rô-đê ban thưởng một điều ác nhân, ác đức, chém đầu Gioan Tẩy Giả.  Dĩ nhiên, tôi sẽ không bao giờ khuyên con cái của tôi, hay bất cứ ai điều mà Hê-rô-đi-a đã khuyên con của bà.  Tuy nhiên, đời sống của tôi có thể đã hoặc đang là gương mù cho con cái và những người trẻ quanh tôi như: mỗi khi ăn uống say sưa, cờ bạc, ngồi lê đôi mách, cãi nhau, gian lận trong làm ăn và thuế má, kỳ thị chủng tộc, thành kiến về những người khuyết tật, phân biệt đối xử với những người nghèo, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, giáo hội và xã hội...  Những lối sống xấu xa này không giết người khác ngay lập tức, nhưng có thể giết dần cả một thế hệ tương lai của gia đình, giáo hội và đất nước.  Tôi nói gì với Chúa về lối sống của tôi hiện nay?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Ai Sẽ Lên Tiếng – Who Will Speak,” nguyên tác tiếng Anh do Marty Haugen, lời Việt do Thanh Lâm, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=B76Ut0xw3Kk 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment