Wednesday, August 12, 2020

Thứ Năm Tuần XIX Thường Niên – Năm A – 13-8-2020

Thu Nam XIX TN

Mát-thêu 18:21-35

18 21Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?” 22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. 23 “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y, cùng tất cả tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền.  Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30 Nhưng y không chịu, cứ đi tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu dạy về sự hòa giải giữa một người nào đó trong cộng đoàn đức tin của tôi xúc phạm đến tôi.  Trong đó Ngài nhấn mạnh, mỗi khi có bất hòa hãy sửa lỗi nhau, nhưng mục đích chính của sửa lỗi là hòa giải, chứ không phải là trừng phạt.  Bài đọc hôm nay, Ngài dạy về lòng tha thứ giữa tôi với những người xung quanh, tha thứ như Thiên Chúa tha thứ cho tôi.  Các tư tế Do-thái dạy dân chúng rằng, cần phải quảng đại tha thứ đến ba lần cho bất cứ ai đã xúc phạm đến mình.  Tha thứ của Do-thái giáo sao nghe giống kiểu tha thứ của Việt Nam, “quá tam ba bận”!  Phê-rô là một người Do-thái, nhưng ông còn quảng đại hơn những gì các tư tế của ông dạy, sẵn sàng tha thứ đến bảy lần.  Ông tưởng vậy là đã quá rộng lượng!  Nhưng Chúa Giêsu không cho bảy lần là đủ, Ngài đòi hỏi ông phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy.  Có nghĩa là phải tha thứ nhiều đến mức không thể đếm được, tha thứ mãi mãi.  Như vậy, tôi đã thấy rõ sự khác biệt giữa những gì lề luật Môi-sê dạy và những gì Chúa Giêsu dạy.  Nếu việc tha thứ của tôi mới chỉ dừng ở lần thứ ba, tôi mới chỉ là người Việt Nam, chỉ là người theo Môi-sê.  Hoặc, nếu việc tha thứ của tôi mới chỉ dừng ở lần thứ bảy, tôi mới chỉ là đồ đệ của Phê-rô.  Việc tha thứ của tôi phải là không đếm được, phải là mãi mãi, khi ấy tôi mới thực sự gọi là Kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu.  Tha thứ bao giờ cũng khó, nhiều khi khó không thể tưởng được, nhưng Chúa Giêsu thấy việc tha thứ là tối quan trọng vì thật sự nó là một sự giải thoát, trước là cho chính tôi, sau là cho người đã xúc phạm đến tôi.  Ngày nào tôi tha thứ, ngày ấy tôi không còn trong hỏa ngục nữa, thật sự sống trong thiên đàng.  Có ai thường xúc phạm đến tôi không?  Tôi có thể tha thứ cho họ không?  Nếu không, tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu.  Tôi có thể xin Ngài cho tôi lòng ao ước muốn tha thứ. 

2.     Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói về một người không có lòng tha thứ, dù rằng chính hắn ta đã từng van xin lòng tha thứ cho những khoản nợ khổng lồ của hắn ta.  Tôi có kinh nghiệm được tha thứ bao giờ chưa?  Tôi đã tha thứ cho một ai chưa?   Có ai mà tôi không thể tha thứ được lúc này?  Tôi nghĩ sao và cảm thấy thế nào khi tôi vẫn xin Chúa tha thứ cho tôi mỗi ngày, qua việc cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha,” trong khi đó tôi lại không có lòng tha thứ cho đồng loại?  Tôi cần xin Chúa ơn gì để tôi có thể tha thứ cho người khác?  Tôi muốn đọc lại dụ ngôn trên để tìm sức mạnh dám tha thứ cho người khác.           

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment