Tuesday, August 4, 2020

Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên – Năm A – 5-8-2020

Thu Tu XVIII TN

Mát-thêu 15:21-28

21Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!  Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.  Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” 24 Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25 Nhưng bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26 Người đáp: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27 Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!  Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.”  Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ít ra đây là lần thứ hai trong Phúc âm Mát-thêu tôi được thấy các môn đệ đã rất mệt mỏi.  Lần thứ nhất, trước khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn (Mt 14:13-20), và lần thứ hai là trong bài đọc hôm nay.  Dấu chỉ của mệt mỏi nơi bất cứ ai thường là, trở nên mất kiên nhẫn với người khác, chỉ muốn ở yên, xa tránh mọi người, vì thế sự hiện diện của người khác dễ trở thành một khó chịu, một gánh nặng.  Các môn đệ ở cả chương 14:13-20 và bài đọc hôm nay, 15:21-28, đều chỉ muốn ở yên, nghỉ ngơi, nên đã muốn xua đuổi dân chúng đi cho rảnh, bởi họ đã quá mệt, không có giờ nghỉ và không có giờ ăn.  Có khi nào hoặc ngay khi này, tôi cảm thấy đã làm việc quá sức, khiến tôi mệt mỏi, trở nên cáu kỉnh, bẳn gắt và xua đuổi những người chung quanh tôi?  Đây là dấu chỉ tôi cần phải được nghỉ ngơi, nếu không, mọi việc làm của tôi có thể sẽ phản tác dụng, dễ dàng mắc phải những sai lầm như: nổi nóng, xét nét, chê bai, phê bình, chỉ trích mọi người xung quanh, một cơ hội lớn để thần dữ xâm nhập và điều khiển tôi.  Có lẽ trong những lúc mệt mỏi, tôi cần nghe rõ lời Chúa Giêsu dạy: “Con hãy vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi cho khỏe” (Mc 6:31).  Tôi có cảm thấy lời này cũng đang nhắc nhở tôi không?  Tôi để ý Chúa muốn chăm sóc tôi thế nào.         

2.      Một cảm giác bực bội có thể ở lại trong tôi vì những lời của các môn đệ, đặc biệt của Chúa Giêsu đối với người mẹ tội nghiệp này.  Có vẻ như Chúa Giêsu cũng rất kỳ thị!  Trước hết, các môn đệ muốn xua đuổi người mẹ Ca-na-an.  Sau đó, câu nói của Chúa Giêsu dường như rất vô cảm, đau đớn, và đầy tính sỉ nhục hơn, khi Ngài đã coi người người mẹ đau khổ này ngang hàng với chó.  Tưởng cũng cần biết: người Do-thái tự hào là dân riêng của Chúa, chỉ có họ là được cứu độ.  Vì suy nghĩ đặc quyền này mà họ có một cái nhìn rất trịch thượng và đầy khinh thị với tất cả những ai không phải là Do-thái.  Coi dân ngoại ngang hàng với chó đã trở thành một nếp nghĩ, một nét văn hóa trong đầu của người Do-thái.  Bởi thế, nếu thật sự Chúa Giêsu có nói câu này cũng chỉ là phản ánh một não trạng chung của người Do-thái, mở miệng ra hoặc mọi suy nghĩ bật lên trong đầu của họ về dân ngoại là họ nghĩ ngay đến những loài thấp hèn.  Cũng như phần nhiều người Việt, dân tộc Kinh, có đầu óc rất kỳ thị và trịch thượng thường gọi các anh chị em người thượng, dân tộc thiểu số, là “mọi.”  Chưa hết, họ cũng gọi những người da mầu của các nước khác là mọi, như mọi da đỏ, mọi da đen, thậm chí có người còn vô văn hóa đến mức gọi Tổng thống Barack Obama là “thằng mọi đen”!  Trở lại vấn đề của Chúa Giêsu.  Tôi không chắc Chúa Giêsu đã thực sự nói như vậy với người mẹ Ca-na-an, trong bài đọc hôm nay.  Bởi nếu đọc toàn bộ các phúc âm, tôi sẽ thấy Chúa Giêsu ở đâu Ngài cũng rất nhân từ, hiền hòa, yêu thương, quan tâm và nhạy bén với mọi đau khổ của đủ mọi loại người, bất kể họ là nam hay nữ, thánh thiện hay tội lỗi, khỏe mạnh hay bệnh thật, già hay trẻ, có niềm tin hay không có niềm tin.  Tôi cho rằng, Mát-thêu đã đặt câu nói này nơi cửa miệng của Chúa Giêsu với hai mục đích: Thứ nhất, câu chuyện muốn phá tung đầu óc hẹp hòi và trịch thượng của người Do-thái, đặc biệt là các môn đệ rằng, ơn cứu độ cũng đến với cả những người dân ngoại nữa.  Thứ hai, đức tin chính là chìa khóa có thể mở được mọi cánh cửa.  Chính nhờ đức tin mà người mẹ đáng thương dân ngoại này đã mở được cánh cửa lớn, cũ kỹ đầy sét rỉ của Do-thái giáo để gặp được Thiên Chúa.  Như vậy, có hai điều tôi cần phải lưu ý khi bước vào cầu nguyện: Thứ nhất, dẹp bỏ mọi đầu óc cũ kỹ hẹp hòi của tôi để có thể đón nhận cả đại dương mênh mông đầy yêu thương của Chúa.  Thứ hai, phải có niềm tin trong mọi lời nguyện của tôi.  Trong giây phút này tôi có được hai điều này không?  Tôi xin Chúa và tiếp tục xin Ngài cho tôi được hai ơn này.     

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment