Mát-thêu
16:24-26
24Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ
rằng: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà
theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu
người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc
người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?”
(Trích
Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Từ bỏ có lẽ là điểm
chung của mọi tương quan thân mật giữa con người với con người, và giữa con người
với Thượng Đế. Giữa con người với con
người, cụ thể khi hai người nam nữ yêu nhau, người nam phải từ bỏ tất cả mọi cô
gái khác để chỉ sống với một người con gái mà họ thề ước trọn đời, và ngược lại
người nữ cũng phải làm y như thế. Mục
đích là để họ thuộc tron về nhau, không bị chi phối bởi bất cứ cô gái hay chàng
trai nào khác trong đời sống hôn nhân của họ.
Giữa con người với Thượng Đế cũng như thế. Người ta phải từ bỏ tất cả mọi thần minh khác,
cũng như mọi người, mọi vật khác để phụng sự một mình Vị Thượng Đế tối cao ấy, Đấng
mà họ yêu mến và tôn thờ. Như vậy, mục
đích của từ bỏ là để trở nên tự do hơn, hầu giúp thăng hoa tương quan yêu
thương đó. Ở điểm này, nhiều khi hai chữ
“từ bỏ” lại bị hiểu lầm. Bởi có những
người đi tu hoặc lập gia đình, nhưng càng ngày họ càng trở nên xa cách với gia
đình ruột thịt của họ, không còn can dự hay quan tâm đến cha mẹ, anh chị em hoặc
bạn bè của họ nữa. Dần già, họ trở nên cằn
cỗi trong tình cảm, gắt gỏng và thô lỗ trong tương giao tiếp xúc với mọi người. Như vậy không phải là từ bỏ, bởi nó không chỉ
làm cằn cỗi tương quan giữa tôi với mọi người, mà còn làm chết dần tương quan
giữa tôi với Thượng Đế và người tôi yêu.
Từ bỏ đúng nghĩa nhất là từ bỏ những cái xấu, nhưng vẫn giữ lại những cái
cao đẹp, để nhờ chúng mà tôi càng ngày càng trở nên đẹp hơn trong con mắt của Chúa,
đồng thời càng ngày càng dễ thương hơn với mọi người xung quanh. Đây chính là điều giữ thì mất và mất thì lại
còn, mà Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay!
Trong giây phút này tôi muốn suy ngẫm về câu nói từ bỏ của Chúa Giêsu,
nhìn lại tương quan giữa tôi với Chúa và với mọi người xung quanh như thế nào. Tôi có thật sự cảm thấy tự do, thanh thoát
hơn và đẹp hơn trong tương quan giữa tôi với Chúa và với mọi người không? Tôi cần phải giữ gì và bỏ gì? Tôi xin Chúa một ánh sáng để biết phân biệt
và sự can đảm dám từ bỏ.
2. Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay nói, “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” Câu nói này đã thức tỉnh và giúp định hướng rất nhiều người trong suốt hai ngàn năm qua, cụ thể là Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Cách đây năm trăm năm, khi ấy thánh nhân đang thành danh trên đường học vấn và thể thao, nhưng khi nghe Thánh I-nha-xi-ô Loyola lập đi lập lại câu nói này bên tai mình, ngài đã từ bỏ tất cả để đi tìm cho mình con đường dẫn đến sự sống đời đời. Ngài trở thành một trong bảy người sáng lập Dòng Tên, đồng thời trở thành nhà truyền giáo lừng danh nhất thế giới. Tôi cũng muốn lấy câu nói trên của Chúa Giêsu để ngẫm suy lại cuộc sống của tôi bao lâu nay. Tôi có đang vất vả mỗi ngày cho những gì giúp tôi đạt đến sự sống sung mãn đời đời với Thiên Chúa? Tôi cần phải định hướng và chọn lựa những gì là ưu tiên nhất cho tương quan giữa tôi với Thiên Chúa và tha nhân ngay từ bây giờ? Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment