Monday, August 10, 2020

Thứ Ba Tuần XIX Thường Niên – Năm A – 11-8-2020 – Lễ Thánh Clara

 

Thu Ba XIX TN

Ê-dê-ki-en 2:9-3:4

 29 Tôi [Ê-dê-ki-en] nhìn, thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đó cầm một cuộn sách 10rồi mở ra trước mặt tôi; sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa. 31 Đức Chúa phán với tôi: “Hỡi con người, thấy gì, cứ việc ăn!  Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Ít-ra-en.” 2 Tôi mở miệng ra, và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. 3 Người lại phán với tôi: “Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây.”  Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi. 4 Bấy giờ Người phán với tôi: “Hỡi con người, hãy đi đến với nhà Ít-ra-en và nói với chúng những lời của Ta.”

(Trích Sách Ê-dê-ki-en bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nếu hiểu theo nghĩa đen, tôi sẽ rất dễ rơi vào bế tắc, bởi nó nghe thật kỳ dị và khó hiểu.  Bởi vì người ta ăn thức ăn, chứ ai lại ăn sách bao giờ!  Nhưng, Thánh Kinh là một bộ sách mang nhiều hình ảnh biểu tượng, đặc biệt là Sách Ê-dê-ki-en; bởi thế để hiểu được đoạn văn trên, tôi phải hiểu theo nghĩa biểu tượng.  Như thức ăn được nhai kỹ qua miệng trở thành bổ dưỡng cho thân xác, Lời Chúa cũng là một loại thức ăn, cần phải được “nhai kỹ” (suy đi ngẫm lại) để có thể trở thành bổ dưỡng cho tâm hồn.  Như vậy, bài đọc hôm nay có ý nói về việc nghiền ngẫm Lời Chúa trong cầu nguyện.  Từ lâu Giáo hội đã có một truyền thống nghiền ngẫm Lời Chúa trong cầu nguyện gọi là, lectio divina.  “Lectio divina” có nghĩa là “đọc Thánh Kinh trong tinh thần cầu nguyện.”  Phương pháp này được cho là của một nhà thần học và là nhà khổ tu, rất nổi tiếng trong Giáo hội, đó là Orgien thành Alexandria (c.184-c.253).  Sau này, phương pháp lectio divina được Thánh Ambrôsiô (c.339–c.397), Thánh Augustine (c.354–c.430), đặc biệt là Thánh Gioan Cassian (c.360-c.435) và Thánh Bênêdictô (c.480–c.543) phổ biến một cách rộng rãi khắp Châu Âu.  Tuy nhiên, kể từ thế kỷ 12, phương pháp cầu nguyện này bắt đầu đi xuống, chỉ còn thực hành nhiều tại các đan viện.  Mãi đến Công đồng Vatican II (1962-1965), Giáo hội mới khơi phục lại truyền thống cầu nguyện này và mạnh mẽ khuyến khích: “Tất cả hàng giáo sỹ, đặc biệt các linh mục của Đức Kitô và những vị khác, như các phó tế hay những giáo lý viên, là những người dấn thân cách công khai trong mục vụ Lời Chúa, phải đắm mình vào trong Thánh Kinh bằng việc đọc sách thánh liên lỉ và học hỏi cần mẫn… Tuy nhiên hãy nhớ rằng, cầu nguyện phải đi đôi với đọc Thánh Kinh, để có một sự đối thoại xảy ra giữa Thiên Chúa và cá nhân.”  Sau này, ĐGH Gioan Phaolô II cũng viết: “Lời Chúa là nguồn mạch quan trọng nhất cho mọi linh đạo Kitô.  Lời Chúa làm nảy sinh một sự tuơng quan với Thiên Chúa hằng sống, ý định thánh và sự cứu rỗi.  Chính vì thế, cái mà chúng ta gọi là lectio divina đã luôn luôn có một chỗ đứng kính cẩn, đặc biệt trong đời sống tu viện.”  Rồi, cả ĐGH Bênêdictô XVI cũng gợi lại tầm quan trọng của phương pháp cầu nguyện này: “Tôi muốn đặc biệt gợi lại và giới thiệu truyền thống cổ xưa của lectio divina: việc đọc Thánh Kinh một cách siêng năng cùng với sự cầu nguyện là điều mang đến một cuộc đối thoại mật thiết mà người đọc được nghe Thiên Chúa đang nói, và trong khi cầu nguyện, người ấy đáp ứng với Ngài bằng tấm lòng cởi mở, tin tưởng.”  Phương pháp cầu nguyện lectio divina bao gồm bốn bước: 1) Lectio (đọc), được hiểu như là đọc đi đọc lại một cách cẩn thận, nhẹ nhàng và nhiều lần một đoạn, một cụm từ hay một chữ nào đó trong một đoạn Thánh Kinh ngắn mà tôi đang cảm thấy được đánh động; 2) Meditatio (suy ngẫm), cố gắng đào sâu ý nghĩa bản văn và áp dụng nó vào cuộc sống của chính tôi; 3) Oratio (cầu nguyện), mở lòng cho đối thoại, đáp trả và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa; 4) Contemplatio (chiêm niệm), trầm mình vào sự hiện diện của Thiên Chúa, giải thoát bản thân khỏi tất cả những tư tưởng, cả trần tục lẫn thánh khiết, để nghe và cảm được những gì Thiên Chúa đang nói và tác động lên trí, tâm, thân của tôi.

2.      Tôi thích gọi lectio divina là phương pháp cầu nguyện theo kiểu bò nhai cỏ.  Cách gọi này thích hợp với kiểu nói của Lời Chúa trong Sách Ê-dê-ki-en hôm nay, bảo tôi phải ăn Lời Chúa vào lòng, rồi đi nói với mọi người về Thiên Chúa.  Tôi muốn lấy một câu hay chữ Lời Chúa nào đó trong các bài đọc hôm nay và bắt đầu nhai đi nhai lại trong giờ cầu nguyện này, hoặc cả ngày hôm nay, cho đến khi tôi cảm được những lời ấy trong cổ họng tôi, và trở thành bổ dưỡng trong tôi.  Chẳng hạn câu: Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật trong miệng tôi” (Ed 3:3), hoặc: Lạy Chúa, con cảm thấy lời hứa Ngài ngọt ngào hơn mật ong trong miệng” (Tv 119:103), hoặc: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105), hoặc: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:12).  Sau khi đã nhai kỹ và nuốt những lời này, tôi để ý: Chúa sẽ muốn tôi phải nói gì và ứng xử ra sao với mọi người quanh tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment