Mát-thêu 19:23-26
23Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ
rằng: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. 24 Thầy
còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào
Nước Thiên Chúa.” 25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng
sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” 26 Đức Giê-su
nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được,
nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.”
(Trích
Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Sau khi thấy người thanh niên giầu có bỏ
đi trong buồn râu vì Chúa Giêsu nói về điều kiện để được sự sống đời đời, trong
bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, có vẻ thất vọng về anh ta,
nên quay sang nói với các môn đệ của Ngài rằng: người giầu có vào Nước Thiên Chúa
khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Trước
hết, đây là một thành ngữ phổ biến trong các văn hóa Trung Đông thời bấy giờ. Chẳng hạn người Ba-tư (Persian) thường nói: “Con voi chui qua lỗ kim”; trong khi đó,
người Do-thái hay nói: “Con lạc đà chui
qua lỗ kim”. Thành ngữ này thường
được dùng trong Bộ Kinh Talmud của Do-thái, Kinh Tân Ước của Kitô giáo, và Kinh
Koran (Qur’an) của Hồi giáo. Nhưng “lỗ
kim” mà Chúa Giêsu nói ở đây là cái gì? Có
hai lối giải thích: 1) Nhiều người cho rằng, “lỗ kim” là nói về một cổng nhỏ
bên cạnh một cổng lớn, cổng chính của thành.
Ban ngày cổng lớn được mở ra để người và lạc đà chở đồ vật có thể ra vào;
nhưng đêm đến, người ta đóng cổng lớn, chỉ mở mỗi cổng nhỏ. Cổng nhỏ này chỉ lớn vừa đủ để người, hoặc
lạc đà đi qua sau khi đã trút bỏ hết mọi hành lý. Tuy nhiên, giải thích này không vững lắm. Bởi cho đến nay, các nhà khảo cổ học vẫn không
tìm thấy ở đâu trong vùng này, thời bấy giờ, có kiến trúc cổng như vậy. Thứ hai, nhiều người khác lại cho rằng “lỗ
kim” là nói về lỗ của chiếc kim khâu quần áo.
Trong tiếng Hy-lạp, ngôn ngữ đã dùng để viết Phúc âm Mát-thêu, chữ “kamilos” vừa có nghĩa là “con lạc đà,”
nhưng cũng vừa có nghĩa là “chiếc dây thừng.”
Vì thế câu nói của Chúa Giêsu có thể hiểu là: Thật khó để xỏ dây thừng
qua lỗ kim may. Tuy nhiên, cách giải
thích này cũng vẫn không được nhiều người tán thành. Dù hiểu theo kiểu nào đi nữa, câu nói của Chúa
Giêsu chỉ muốn nói là vào Nước Thiên Chúa là chuyện khó vô cùng. Chúa Giêsu, trong Phúc âm Mát-thêu, rất hay
dùng kiểu nói khuếch đại như thế này để nhấn mạnh đến điều Ngài nói. Chẳng hạn, Chúa Giêsu dùng chữ cái “đà” đối
nghịch với cái “dằm” trong Mt 7:3-5, để nói về tật xấu xét đoán của con người
rằng, người ta thường mù lòa trước lỗi lầm của mình, nhưng lại rất sáng suốt về
lỗi lầm của người khác. Hoặc, Chúa Giêsu
nói các kinh sư và Pha-ri-sêu hay đối xử bất công như, họ thật khó khăn bắt bẻ
dân chúng những chuyện nhỏ như “lọc con muỗi,” nhưng lại bỏ qua chuyện lớn như “nuốt
chửng con lạc đà” trong Mt 23:24.
2.
Câu nói của Chúa Giêsu về người thanh
niên giầu có đã khiến các môn đệ sửng sốt và thất vọng: “Thế thì ai có thể được
cứu?” Đúng như vậy, với con người thì
chẳng ai làm được, nhưng với Thiên Chúa mọi chuyện đều có thể. Điều này Chúa Giêsu thật sự muốn nói, sự cứu
độ không thể là nỗ lực của tôi, nhưng là ân huệ Thiên Chúa ban. Câu nói của Chúa Giêsu có làm cho tôi sửng
sốt và thất vọng không? Có lẽ tôi phải
tự hỏi chính tôi về câu nói của Chúa Giêsu: Tôi có phải là người giầu trước mặt
Chúa không? Cái gì đang là sự giầu có
trong tôi? Của cải vật chất, khiến tôi
chẳng cần Chúa nữa ư? Sự siêng năng đi
lễ, cầu nguyện và làm việc bác ái đã làm cho tôi tự cao tự đại là: đạo đức
thánh thiện hơn người, và cuối đời Chúa phải nhớ trả công cho tôi? Phải chăng, bao lâu nay tôi đã thường bỏ ra rất
nhiều tiền cúng hết chùa này đến chùa khác, vái đủ mọi thầy bà, xin đủ mọi lễ, lại
còn xin cả lễ đời đời nữa như là vé tốc hành, hạng nhất để vào thiên đàng? Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay rằng khẳng
định, chẳng có đồng tiền nào, cũng chẳng có ông cha hay thầy bà nào có thể đem
tôi vào thiên đàng được, chỉ có một mình Chúa và tình yêu của Ngài mới có thể
đưa tôi vào thiên đàng. Tôi dành giây
phút này để gặp gỡ Thiên Chúa, nói chuyện với Ngài, đi vào trong tương quan thân
mật mang tính cá vị với Ngài, hầu tôi có thể nếm thử thiên đàng ngay trong giây
phút này.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment