Wednesday, August 5, 2020

Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên – Năm A – 6-8-2020 – Lễ Chúa Giêsu Biến Hình

Thu Nam XVIII TN

Mát-thêu 17:1-8

1Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo.  Người đưa các ông đi riêng với mình lên một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông.  Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!  Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.  Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!” 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ thấy một mình Đức Giê-su mà thôi.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Biến cố biến hình là một sự kiện quan trọng được cả ba Thánh sử Mát-thêu, Mác-cô và Luca ghi nhận.  Tuy nhiên, biến cố này không phải là một ghi nhận để cho tôi thèm thuồng, dù đây là một sự kiện rất ng oạn mục và siêu thường, không dễ mấy ai có được.  Đây là một biến cố của đức tin và được ghi chép trong Kinh Thánh, một bộ sách đức tin.  Như vậy, biến cố Chúa Giêsu biến hình không chỉ xảy ra một lần năm xưa, cách đây hai ngàn năm, nhưng vẫn có thể xảy ra với mọi người ở mọi thời đại và văn hóa.  Vấn đề không phải là Chúa có biến hình nữa không, mà là tôi có con mắt để thấy Chúa biến hình hằng ngày với tôi và quanh tôi không?  Một người cha người mẹ nào đó viết thư và lên tiếng trên báo chí dám tha thứ cho kẻ vừa bắn chết con của họ chẳng hạn.  Một người mẹ đã bán đi tất cả những bà có để lặn lội đủ mọi nơi để cầu cứu, giải oan cho con của bà đang bị mang án tử hình oan chẳng hạn.  Hình ảnh những người vợ lặn lội khắp nước để nuôi chồng bị tù sau chiến tranh chẳng hạn…  Tôi cảm thấy như thế nào trước những biến cố biến hình vẫn xảy ra trước mắt tôi?  Tôi được biến đổi không?  Tôi được mời gọi cũng biến hình trước những người xung quanh, cụ thể là gia đình tôi chăng?  Tôi đã làm gì những gì để những người thân cảm thấy họ đang thấy Chúa Giêsu biến hình qua tôi?   

2.      Điểm quan trọng của biến cố Chúa Giêsu biến hình không phải là ở chỗ áo Ngài trở nên sáng láng, trắng tinh như tuyết, dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, nhưng là ở tiếng nói của Chúa Cha từ trời nói với Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”  Có khi nào tôi cũng nhận ra tôi là con yêu dấu, con cưng của Chúa Cha và Ngài rất hài lòng về tôi?  Những giây phút tĩnh lặng của giờ cầu nguyện này, tựa như những giây phút các môn đệ đang ở trên núi với Chúa Giêsu và được chiêm ngắm dung nhan sáng láng của Ngài.  Tôi cũng muốn dành giây phút này chiêm ngắm Chúa xem Ngài đang ngắm nhìn tôi như thế nào.  Tôi để ý xem Chúa có đang rất hài lòng về tôi không?  Tôi là ai trong con mắt của Chúa?  Có phải là con cưng của Chúa không?  Tôi sẽ sống như thế nào sau giờ cầu nguyện này, như là một con cưng của Chúa, luôn đẹp lòng Chúa mọi đàng?   

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment