Thursday, August 13, 2020

Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên – Năm A – 14-8-2020 – Lễ Thánh Maximilliam Kolbe

Thu Sau XIX TN

Mát-thêu 19:3-9

3Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người, họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” 4 Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, 5 và Người đã phán: ‘Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ 6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.  Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 7 Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” 8 Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trước Chúa Giêsu, Gioan Tẩy giả đã bị bỏ tù và bị giết, một phần cũng vì ông đã lên tiếng về vấn đề hôn nhân và ly dị.  Bài đọc hôm nay, những người Pha-ri-sêu đã viện dẫn Sách Đệ Nhị Luật 24:1-4 cũng là để thách thức Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân và ly dị.  Kể từ thời Chúa Giêsu đã có hai trường phái về hôn nhân và ly dị.  Trường phái thứ nhất, như những người Pha-ri-sêu đã viện dẫn Sách Đệ Nhị Luật để cho phép người chồng ly dị vợ với nhiều lý do.  Nên nhớ, Do-thái là một văn hóa phụ hệ, trọng nam khinh nữ như văn hóa Việt Nam, nên luật ly dị được đặt ra thường có lợi cho nam giới hơn là nữ giới.  Vì thế, người chồng có thể ly dị vợ không chỉ vì những lý do lớn như: vợ không sinh con trai, không chung thủy, hoặc không biết làm ăn, nhưng còn vì những lý do vụn vặt như: hôi nách, hôi miệng, không biết trang điểm, nấu cơm khê…!   Tuy nhiên lại có một trường phái thứ hai, chỉ chấp nhận cho chồng ly dị vì vợ đã ngoại tình, như thể văn hóa Việt Nam một thời: Trai năm thê bảy thiếp cũng được, nhưng gái phải chính chuyên một chồng, nếu vợ có tư tình với người đàn ông khác sẽ bị gọt đầu bôi vôi!  Kể ra, hai trường phái này, phóng khoáng và khắc nghiệt, cũng vẫn đang hiện hữu giữa xã hội ngày nay.  Chúa Giêsu không đi vào tranh luận đầy thiên vị của những người Pha-ri-sêu, Ngài mời gọi họ trở về với tính nguyên thủy của trời đất, tính nguyên thủy của hôn nhân, cái thủa ban đầu lưu luyến, hẹn thề chung thủy chung tình, sống chết trọn đời với nhau ấy.  Hôm nay, đọc những lời của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy thế nào khi Ngài mời gọi tôi, dù hôn nhân của tôi hiện nay có như thế nào, hãy trở về với thời tôi đã thề sống chết với người tôi yêu, có thể tôi đã bất chấp cha mẹ để nên một với người tôi yêu, hoặc tôi đã đánh đổi tất cả để có được người tôi yêu, vậy mà hôm nay tôi lại toan tính: đường ai nấy đi?  Tôi cảm thấy lời dạy của Chúa Giêsu là một thách đố đối với đời sống hôn nhân của tôi hôm nay?  Tôi đồng ý hay không đồng ý với Chúa Giêsu?  Tôi thảo luận chuyện này với Ngài.  Tôi muốn tìm một sức mạnh cho đời sống hôn nhân của tôi hôm nay?  Tôi xin Chúa Giêsu giúp.

2.     Không thể phủ nhận, hôn nhân và ly dị dường như càng ngày càng phức tạp hơn theo đà tiến triển của xã hội.  Đời sống hôn nhân ngày nay thật không dễ chút nào, đòi hỏi nhiều ơn Chúa, nhiều sự giúp đỡ của mọi người, nhiều yêu thương của cả hai, nhiều sự hy sinh của cả hai, nhiều kiên nhẫn của cả hai, nhiều tha thứ của cả hai, nhiều óc hài hước của cả hai, nhiều sự thông cảm của cả hai, nhiều sự tôn trọng của cả hai, nhiều sáng tạo của cả hai.  Tôi muốn dành giây phút này để cầu nguyện cho gia đình của tôi, đặc biệt cho người phối ngẫu của tôi.  Tôi cầu nguyện cho những gia đình mà tôi thương mến, quan tâm, dù họ đang rất hạnh phúc, dù họ đang đau khổ đã nhiều năm, hay dù họ đang gặp khó khăn có thể đi đến đổ vỡ.  Tôi phó dâng gia đình của họ trong sự nâng đỡ và bảo hộ của Gia Đình Thánh Gia.

Phạm Đức Hạnh, SJ

 

0 comments:

Post a Comment