Mát-thêu 19:16-22
16Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giê-su rằng: "Thưa
Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?" 17 Đức
Giê-su đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt?
Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi.
Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn." 18 Người
ấy hỏi: "Điều răn nào?" Đức
Giê-su đáp: "Ngươi không được giết người.
Ngươi không được ngoại tình.
Ngươi không được trộm cắp. Ngươi
không được làm chứng gian. 19 Ngươi phải thờ cha kính mẹ",
và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình." 20 Người
thanh niên ấy nói: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu
điều gì nữa không?" 21 Đức Giê-su đáp: "Nếu anh muốn
nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ
được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến
theo tôi." 22 Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ
đi, vì anh ta có nhiều của cải.
(Trích
Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và anh thanh niên giầu có, trong bài đọc hôm nay, là một câu chuyện hay, bởi nó chạm đến một nỗi khát khao sâu kín và muôn thủa của nhân loại: sự sống đời đời. Câu hỏi về sự sống đời là câu hỏi mắc nhất trong lịch sử loài người. Bởi từ xưa con người đã trăn trở và vất vả đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng cho đến ngày hôm nay vẫn chưa có ai tìm ra. Tôi có thể thấy trong kho tàng triết đông cũng như triết tây đầy dẫy những con người cho rằng mình đã tìm được câu trả lời. Chẳng hạn như, Đức Khổng Tử (551-479 BC) đã từng đưa ra câu trả lời cho khát vọng trường sinh của con người. Ngài nói, muốn trường sinh bất tử cần phải có một trong ba điều sau: 1) Có con trai nối dõi tông đường; 2) Viết sách để đời; 3) Tạc bia đá. Thế nhưng, đâu có phải ai muốn có con trai là có con trai đâu, hoặc muốn viết sách là viết được đâu, và cuộc đời này có dễ mấy người đã được người đời tạc bia đá! Tôi cũng có thể thấy nỗ lực ấy ở những con người cụ thể như, Tần Thủy Hoàng (259-210 BC) của Trung Hoa. Ông đã từng ra lệnh cho các cận thần phải đi tìm cho bằng được thứ phương dược nào có thể giúp ông ta trường sinh bất tử, nhưng rồi chẳng ai tìm được, và ông ta cũng đã chết ở tuổi 49. Hoặc, ngày hôm nay đủ những thứ quảng cáo thuốc này thuốc kia cải lão hoàn đồng; rồi đủ mọi phẫu thuật bơm da mặt, bơm môi, bơm mông, nâng ngực, xẻ cằm, cắt mắt, nhuộm tóc, đánh phấn nhưng cũng chỉ là để trông cho trẻ một chút, trẻ một lúc; đồng thời, dấu tuổi thật, tránh nói về tuổi cũng chỉ là để nghe cho trẻ một chút, chứ cũng chẳng sống mãi được. Chỉ có Chúa Giêsu, Đấng Hằng Có là Đường, là Sự thật và là Sự sống, theo Đấng ấy tôi mới có thể trường sinh bất tử (Ga 11:25). Chúa Giêsu nói với anh thanh niên giầu có, cần phải bỏ tất cả những thứ mà anh ta đang cho là giầu có, rồi mới có thể thảnh thơi theo Ngài được. Đây là một thách đố lớn với anh ta, và anh ta đã bỏ Chúa Giêsu mà đi trong buồn rầu. Đây có là một thách đố lớn đối với tôi không? Cái gì thật sự đang mang lại cho tôi sự sống? Cái gì đang dẫn tôi vào cõi vĩnh hằng? Tôi đang vất vả, tốn công cho những thứ có thể cho tôi sự sống đời đời không? Nếu không, cuộc đời tôi sẽ thật sự vô nghĩa. Bởi dù tôi là ai, tôi giầu có đến mức nào, danh vọng lẫy lừng ra sao, cuối cùng rồi cũng chết, trần như nhộng, như một người vô gia cư, không hơn không kém. Tôi theo Chúa Giêsu bao lâu nay, tôi có tin và cảm nhận được thế nào là sự sống đời đời mà Ngài đã từng hứa không? Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu như người thanh niên này, và để ý xem Ngài nói gì với tôi.
2. Anh thanh niên này không chỉ giầu có về của cải, nhưng còn giầu có về lòng đạo đức nữa. Anh ta đã giữ tất cả những giới răn mà Chúa Giêsu nói. Giầu như thế và đạo đức như thế, vậy mà anh ta vẫn cảm thấy không thỏa mãn, không cảm thấy những gì anh ta có sẽ giúp anh ta có sự sống đời đời. Bởi thế, anh ta đã đi tìm. Tôi có thể không giầu như anh ta, và đạo đức cũng chẳng bằng anh ta, nhưng tôi có khát khao đi tìm sự sống đời đời và ý nghĩa sống không? Tôi đã đi tìm ở những đâu? Chúng có trả lời cho những khát vọng của tôi không? Điều gì đang làm cho tôi dửng dưng, hay an phận chẳng tha thiết đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và sự sống đời đời? Tôi có thật sự tự do và thanh thoát? Cái gì và ai đang giam hãm, đang làm chủ tôi, đang xoay cuộc đời tôi như chong chóng mỗi ngày? Tôi đọc lại câu chuyện trên và ngẫm suy về ý nghĩa sống, cũng như sự tự do nội tâm cho chính tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment