2 Thê-xa-lô-ni-ca 3:7b-16
7 [Thưa anh em,] khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.
8 Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng
khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. 9 Không
phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho
anh em bắt chước. 10 Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi
đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! 11 Thế
mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm
việc gì, mà việc gì cũng xen vào. 12 Nhân danh Chúa Giê-su
Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc,
để có của nuôi thân. 13 Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng
sờn lòng nản chí! 14 Nếu có ai không vâng theo lời chúng tôi
nói trong thư này, anh em hãy ghi lấy tên và đừng giao du với người ấy, để họ biết
xấu hổ. 15 Nhưng đừng coi họ như thù địch, trái lại hãy khuyên
bảo như người anh em. 16 Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người
ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em.
(Trích Thư Thê-xa-lô-ni-ca
II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Ở đâu và ở thời nào cũng có những con người lười biếng, một gánh nặng trong cộng đoàn và xã hội. Bởi thế, những lời căn dặn cuối cùng trong thơ của Phao-lô gởi cho cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca có thể cũng là những lời khuyên cho cộng đoàn của tôi ngày hôm nay. Trước hết, tôi muốn lấy những lời này mà xét mình: Tôi có phải là con người lười biếng không? Tôi đang mắc phải sự lười biếng nào: lười biếng gánh vác những bổn phận chung, lười biếng thăng tiến bản thân, lười biếng tu luyện bản thân, lười biếng trong đời sống thiêng liêng? Đời sống của tôi đang là gánh nặng như thế nào cho gia đình, cộng đoàn, xã hội? Điều gì đã làm cho tôi trở nên biếng nhác như vậy? Tôi hỏi chính tôi và hỏi Chúa, để ý xem Ngài nói tôi phải làm gì. Nên nhớ, châm ngôn Hy-lạp có câu: “Lười biếng là mẹ của mọi cái ác,” và thành ngữ Trung Hoa: “Nhàn cư vi bất thiện”, cũng đều là những lời cảnh tỉnh về gánh nặng của sự ươn lười mà Phao-lô nói trong bài đọc hôm nay.
2. Thứ đến, giả sử như có ai lười biếng và là gánh nặng trong cộng đoàn, Phao-lô khuyên: “Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí! Nếu có ai không vâng theo lời chúng tôi nói trong thư này, anh em hãy ghi lấy tên và đừng giao du với người ấy, để họ biết xấu hổ. Nhưng đừng coi họ như thù địch, trái lại hãy khuyên bảo như người anh em.” Phao-lô dường như muốn phân biệt: chỉ có tật xấu, chứ không có người xấu. Ngài khuyên tôi cần xa tránh cái thói ươn lười, cái tật nhiều chuyện của những người này, chứ không phải xa tránh con người họ, không được coi họ là thù địch và phải lấy lời khuyên mà giúp họ. Như vậy tôi cần phải tìm hiểu về họ hơn là xét đoán họ, tìm cách giúp họ được chữa trị hơn là chửi bới la mắng họ. Lời khuyên của Phao-lô phù hợp với suy nghĩ của các nhà tâm lý hiện nay. Các nghiên cứu tâm lý hiện nay cho thấy, sự ươn lười thường đến từ một trong năm nguyên nhân: Thứ nhất do sống thiếu mục đích; thứ hai do thiếu tự tin; thứ ba do thiếu động lực; thứ tư do thiếu kỷ luật, và thứ năm do sợ thất bại hoặc sợ bị chối từ. Đồng thời, các nhà tâm lý cũng cảnh báo, đừng lẫn lộn sự lười biếng với chứng mất nghị lực (avolition), một triệu chứng tiêu cực có liên quan đến một số vấn đề của sức khỏe tâm thần như: bệnh trầm cảm (depression), rối loạn ngủ nghỉ (sleep disorders), tâm thần phân liệt (schizophrenia), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD – Attention-Deficit Hyperactivity Disorder – Một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, làm cho các em rất hiếu động và khó tập trung. Điều này ảnh hưởng đến khả năng học hành và khả năng giao tiếp của các em). Tôi cầu nguyện cho những người đang là gánh nặng cho xã hội, cộng đoàn và gia đình vì sự lười biếng của họ, hoặc vì bệnh tật của họ. Đồng thời tôi cũng cầu nguyện cho tôi biết kiên nhẫn, khôn ngoan và lấy tình thương mà giúp đỡ họ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment