Mát-thêu 18:15-18
15Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ
rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một
mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu
nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn
nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công
việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu
nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh.
Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại
hay một người thu thuế. 18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh
em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh
em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
(Trích
Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay đụng chạm đến một trong những chuyện rất gần với cuộc
sống hàng ngày trong cộng đoàn đức tin của tôi: sửa lỗi nhau. Sửa lỗi nhau
là việc làm đáng trân trọng, cao đẹp, và cần phải làm thường xuyên, nhưng nó lại
là một vấn đề rất khó, đỏi hỏi nhiều kiên nhẫn, khôn ngoan, tin tưởng, can đảm,
tôn trọng, trưởng thành và ơn Chúa. Sửa
lỗi nhau tựa như đánh bóng một tấm gương, phải hết sức cẩn thận, dùng đúng thuốc,
lau thật khéo và nhẹ nhàng, như vậy tấm gương sẽ sáng, đẹp và tôi vẫn tiếp tục
có gương để soi. Nếu không cẩn thận,
dùng không đúng thuốc, lau không đúng kiểu, mọi việc làm của tôi sẽ phản tác dụng,
tấm gương có thể bị bể, trầy xước, mất giá trị và tôi mất gương để soi. Buồn! Chúa
Giêsu trong bài đọc hôm nay đề nghị bốn bước để giải quyết những xung khắc
trong cộng đoàn: 1) Ai có lỗi với tôi, hãy giải quyết riêng giữa tôi với người
đó. Chính tôi phải giải quyết vấn đề,
không đẩy cho ai khác giải quyết dùm tôi.
2) Nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết, tôi cần phải có một hoặc hai người
trung gian làm chứng, trọng tài, như vậy cả hai bên đều được lắng nghe, được
tôn trọng một cách bình đẳng và công bằng.
3) Nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết, tôi cần đưa vấn đề ra cộng
đoàn. Nhờ sự khôn ngoan, ý kiến của nhiều
người trong cộng đoàn có cùng một niềm tin và lòng mến Chúa, vấn đề sẽ được
nghe tốt hơn và có nhiều hướng giải quyết hơn.
4) Nếu vấn đề đã phải đưa ra cộng đoàn mà vẫn không giải quyết được, Chúa
Giêsu nói hãy kể người ấy như dân ngoại hoặc thu thuế, tức là cộng đoàn cùng
quyết định chung, kể họ không còn là thành viên của cộng đoàn nữa. Tôi có kinh nghiệm giải quyết vấn đề xung khắc
với người nào bao giờ chưa? Thành công
hay thất bại? Giải pháp nào hiệu quả hơn? Tôi đã nỗ lực tìm và thử những giải pháp khác
như thế nào? Những cám giỗ nào thường xảy
đến với tôi mỗi khi giải quyết những xung khắc với tha nhân? Quát tháo, nạt nộ, rất tiêu cực, thiếu tôn trọng,
thiếu lắng nghe, nghe bằng thành kiến, nghe bằng sự cố thủ? Tôi chạy trốn vấn đề, tỏ vẻ lạnh lùng, thất vọng
về tha nhân, không thể tha thứ, không muốn tha thứ, không muốn hiểu, dèm pha,
nói sau lưng, tung lên internet, phản kháng bằng cách thụ động hoặc bất hợp tác? Giải pháp của Chúa Giêsu có thể giúp tôi đối
diện và giải quyết những vấn đề hiện nay của tôi không? Tôi có cầu nguyện mỗi khi có xung khắc để xin
cho được sự khôn ngoan và bình tĩnh, cùng tìm ra hướng đi tốt cho cả hai bên? Có những bất hòa nào đang khiến tôi bận tâm,
tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về những mối bất hòa ấy và xin Ngài trợ giúp.
2. Câu cuối cùng của bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Không ngờ sự tha thứ, yêu thương và hận thù của tôi lại có giá trị đời đời như vậy sao? Hóa ra, một người nào bị giam cầm hoặc được tha thứ, không phải là do Chúa mà là do tôi! Như vậy, tôi không phải chờ cho đến sau khi chết mới cảm nếm được thiên đàng hoặc hỏa ngục, nhưng tôi có thể vào thiên đàng, hoặc sống trong hỏa ngục ngay giây phút này, bằng con đường tha thứ. Tôi làm được không? Tôi muốn không? Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về lòng ao ước và khó khăn của tôi về sự tha thứ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment