Sunday, August 23, 2020

Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 24-8-2020 – Lễ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, Tông đồ

 

Thu Hai XXI TN

Gioan 1:45-51

45Khi ấy, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có hai điều đáng chú ý trong ngày lễ kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô hôm nay.  Thứ nhất, ngày lễ kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô nhưng bài đọc lại không nhắc gì đến người nào tên là Ba-tô-lô-mê-ô, mà chỉ nhắc đến Phi-líp và Na-tha-na-en.  Từ lâu trong Giáo hội đã cho rằng, Na-tha-na-en cũng chính là Ba-tô-lô-mê-ô.  Dựa trên cơ sở nào?  Trước hết, nhiều học giả cho rằng Ba-tô-lô-mê-ô là tên họ, còn Na-tha-na-en là tên gọi.  Vì thế, có thể khi thì ông được gọi bằng tên gọi, khi thì được gọi bằng tên họ.  Thứ đến, trong các Phúc âm Mát-thêu (10:1-4), Mác-cô (3:13-19) và Luca (6:12-16) đều ghi danh sách Nhóm 12 Tông đồ.  Trong các danh sách 12 Tông đồ ở cả ba phúc âm đều không nhắc đến ai tên là Na-tha-na-el, nhưng mỗi lần nhắc đến Phi-líp, Ba-tô-lô-mê-ô cũng được nhắc đến ngay sau đó.  Điều này có một sự trùng hợp trong Phúc âm Gioan.  Mặc dù Phúc âm Gioan không có danh sách Nhóm 12 Tông đồ, nhưng như trong bài đọc hôm nay khi nhắc đến Phi-líp, đã nhắc đến Na-tha-na-en.  Đồng thời, trong 21:2 của Phúc âm Gioan có nhắc đến Na-tha-na-en, một tông đồ trong các tông đồ đã đi đánh cá với nhau.  Như vậy rất có thể, Na-tha-na-en cũng là Ba-tô-lô-mê-ô.  Tuy nhiên ngày hôm nay, vẫn có những người cho rằng Na-tha-na-en và Ba-tô-lô-mê-ô là hai người khác nhau.  Mặc dù ba Phúc âm Mát-thêu, Mác- cô và Luca đều viết rõ tên Ba-tô-lô-mê-ô trong nhóm 12 Tông đồ, ấy vậy mà Giáo hội không trích đoạn của một trong ba phúc âm này để làm bài đọc trong ngày lễ kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, nhưng lại chọn Phúc âm Gioan nói về Na-tha-na-en, hẳn Giáo hội đứng về phía những người đồng ý rằng: Na-tha-na-en cũng là Ba-tô-lô-mê-ô.  Na-tha-na-en được biết Chúa Giêsu nhờ Phi-líp giới thiệu.  Điều này nói lên một điều rất thật trong đời sống đức tin rằng: chẳng ai đã tự mình biết Chúa, nhưng luôn qua sự giới thiệu, hoặc gương sáng của một ai đó.  Tôi đã đến với niềm tin vào Chúa Giêsu qua ai và gương sáng nào?  Tôi cầu nguyện và cám ơn người đó chăng?  Đồng thời sự giới thiệu của Phi-líp về Chúa Giêsu cho Na-tha-na-en cũng nói lên rằng, chẳng ai vào thiên đàng một mình, nhưng luôn có bạn đồng hành.  Tôi sẽ rủ ai, ai sẽ hoặc đang là những bạn đồng hành của tôi tiến vào Nước Trời?  Tôi cầu nguyện cho tình đồng hành này được khắc khít và lớn rộng mỗi ngày.

2.  Truyền thống vẫn gán cho Thánh Tô-ma một biệt hiệu xấu, đó là: Ông thánh đa nghi.  Trong khi đó, Na-tha-na-en, bài đọc hôm nay nói rằng, ông rất nghi ngờ về Chúa Giêsu, khi Phi-líp giới thiệu.  Tuy nhiên, chẳng ai gọi Na-tha-na-en là ông thánh đa nghi!  Mặc dù nghi ngờ về Chúa Giêsu, nhưng khi Na-tha-na-en gặp được Chúa Giêsu, ông đã là người đầu tiên tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Con Vua Đa-vít.  Sự tuyên tín của ông thật đáng cho tôi bắt chước.  Ông thật xứng với tên gọi Na-tha-na-en, trong tiếng Do-thái, có nghĩa là “món quà của Chúa”, hoặc trong cách đặt tên Việt có thể gọi ông là, “Thiên Ân”.  Na-tha-na-en mặc dù nghi ngờ Chúa Giêsu, nhưng khi gặp được Ngài ông đã tuyên tín mạnh mẽ.  Tôi đã gặp được Chúa Giêsu lâu rồi, niềm tin của tôi với Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi có xác tín mà nói với mọi người rằng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa không?  Nếu không, ngay trong lúc này, tôi có thể nói chuyện với Na-tha-na-en để được tham vấn, hoặc nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu để niềm tin của tôi được mạnh hơn. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment