Monday, July 27, 2020

Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 28-7-2020

Thu Ba XVII TN

Mát-thêu 13:36-43

36Khi ấy, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà.  Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian.  Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời.  Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ.  Mùa gặt là ngày tận thế.  Thợ gặt là các thiên sứ. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.  Ai có tai thì nghe.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là phần giải thích dụ ngôn Lúa và Cỏ lùng trong bài đọc của Chúa Nhật tuần trước, 16.  Dù bài đọc hôm nay nói là, các môn đệ xin Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn này cho họ, nhưng thực ra những lời giải thích này là của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Từ dụ ngôn này Chúa Giêsu đã cho mọi người thấy, thế giới luôn có sự hiện diện đối lập giữa Thiên Chúa và Ma Quỷ, giữa những người làm sự thiện và những người làm sự ác.  Sự phân rẽ này cũng không thay đổi trong xã hội hôm nay.  Như vậy, Thiên Chúa đã không bứng rễ, hay hủy diệt những người làm điều ác khỏi cuộc đời này ngay, mà lại để cho cả hai thiện ác sống chung cho đến ngày phán xét.  Tôi phản ứng như thế nào về sự thật này?  Tôi thấy lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Chúa đối với những người làm điều ác nói với tôi điều gì?

2.      Thế giới luôn có lúa và cỏ lùng, thiện và ác, những người làm điều lành và những người làm điều dữ, và cuối cùng Thiên Chúa sẽ hủy diệt sự ác.  Tôi thấy tôi thuộc nhóm người nào, hay tôi khi thế này, khi thế khác, hoặc tôi thuộc nhóm ở giữa?  Tôi cảm thấy kinh nghiệm thuộc về một phía nào đó như thế nào? Dù tôi thuộc nhóm nào, tôi muốn nói với Chúa về hiện trạng của tôi lúc này.  Tôi cần làm gì lúc này để tôi thuộc về sự thiện hơn mỗi ngày?

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment