Mi-kha 7:18-20
18 “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng
chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp
Ngài? Người không giữ mãi cơn giận,
nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, 19Người sẽ lại thương xót chúng ta,
tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân.
Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. 20 Ngài sẽ
bày tỏ lòng thành tín cho Gia-cóp, và tình thương cho Áp-ra-ham, như đã thề với
tổ phụ chúng con từ thuở trước.”
(Trích
Sách Mi-kha bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Bài đọc hôm nay là phần thứ ba và cũng là phần cuối của Sách Mi-kha. Trong đó, tôi được đọc một lời nguyện thật
đẹp và dễ thương của dân thưa cùng Chúa.
Họ thưa cùng Chúa về sự chịu đựng, lòng kiên nhẫn và tính bao dung tha
thứ của Thiên Chúa đối với họ. Có bao
giờ tôi cảm nghiệm được sự tha thứ của Chúa một cách đặc biệt, và đã viết xuống
nhật ký, hoặc viết vào trái tim tôi bằng tất cả sự biết ơn chưa? Nếu chưa, tôi có thể đọc lại những lời trong
bài đọc hôm nay, và xin Chúa cho tôi được cảm nghiệm được tấm lòng từ nhân của Chúa. Nếu có, tôi muốn hồi tưởng lại kinh nghiệm
được tha thứ ấy và tri ân lòng thương xót của Chúa đã và đang dành cho tôi.
2. Mi-kha mô tả tình yêu của Chúa rất bao la, không thù vặt như tôi vẫn nghĩ: rằng Chúa phạt tôi từ chuyện ngủ gật trong nhà thờ, lỡ miệng chửi thề khi bực tức, lỡ ăn no trong ngày chay... Sự tha thứ của Chúa là mãi mãi và trước cả khi tôi trở về, chứ không thù dai, thích phạt tôi đời đời kiếp kiếp trong hỏa ngục. Có bao giờ Chúa tha thứ cho tôi mà tôi lại chẳng tha thứ cho chính mình không? Điều gì cứ giữ tôi mãi trong ngục tù như vậy? Có bao giờ tôi đã cảm nghiệm Chúa tha thứ mọi tội lỗi của tôi một cách rộng lượng, ngoài sự tưởng tượng của tôi, còn tôi lại nhất quyết không tha những lỗi lầm mà người khác đã xúc phạm đến tôi? Tôi có tự do khi không muốn tha thứ cho người khác? Có phải tôi đang xây nhà tù để nhốt tôi khi cố tình không tha thứ cho người khác? Tôi muốn nói chuyện với Chúa về lòng tha thứ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment