Friday, July 3, 2020

Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên – Năm A – 4-7-2020

Thu Bay XIII TN


Mát-thêu 9:14-17

14Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 15 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ?  Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Ăn chay là thực hành của nhiều tôn giáo, nhưng mỗi tôn giáo có mỗi cách ăn chay khác nhau.  Tuy nhiên, nhiều người lại thích đem tiêu chuẩn ăn chay của đạo này so sánh với tiêu chuẩn ăn chay của đạo khác để rồi cho rằng, ăn chay như thế này mới đúng, còn ăn chay như thế kia là sai.  Các môn đệ của Gioan ngày xưa đã mắc phải lỗi này.  Nhiều người Công giáo Việt Nam cũng không tránh khỏi thói so sánh ăn chay giữa Công giáo và Phật giáo.  Mà chẳng phải chuyện ăn chay mà thôi, người ta còn so sánh cách thực hành niềm tin giữa các tôn giáo nữa.  Chẳng hạn, tại sao bên Phật giáo không bắt các phật tử đi chùa mỗi tuần, trong khi đó Công giáo lại buộc giáo dân phải đi lễ mỗi Chúa nhật.  Dù so sánh như thế nào đi nữa, đúng hay sai, đều là dấu chỉ của một đức tin thiếu trưởng thành, và một tâm hồn không có bình an.  Giáo lý dạy tôi cầu nguyện mỗi ngày, đi lễ mỗi tuần, ăn chay trong Mùa Chay, hẳn có một lý do rất đẹp, rất tốt cho đời sống tâm linh của tôi, và rất đúng với triết lý đạo của tôi.  Trong giây phút này, tôi muốn đi tìm sự bình an trong niềm tin và giáo lý của tôi, bằng cách ngồi bên Chúa, trải nỗi lòng của tôi với Chúa, và ngắm nhìn Chúa, xem Ngài đang vui ngắm tôi ra sao.

2.     Ca dao Việt Nam có câu: “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc.”  Ca dao này có thể áp dụng với câu trả lời của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay.  Ngài không những cho người ta biết sự so sánh lệch lạc của họ, nhưng còn dạy người ta trở nên thức thời hơn: áo mới vá với vải mới, áo cũ vá với vải cũ, rượu mới đổ vào bầu da mới, rượu cũ đổ vào bầu da cũ.  Có khi nào tôi đã lấy vải cũ mà vá vào áo mới chưa, theo kiểu lấy suy nghĩ và lối sống ngày xưa của tôi áp đặt lên suy nghĩ và lối sống của con cái, thế hệ trẻ ngày nay?  Có bao giờ tôi đã đổ rượu mới vào bầu da cũ, theo kiểu lấy sự hiểu biết giáo lý đơn sơ của tôi ngày xưa áp dụng vào nếp sống hiện đại của tôi ngày nay?  Kinh nghiệm của những lần áp dụng tréo cẳng ngỗng đó đã dẫn đến những hậu quả gì?  Có phải là áo đã rách, khi mọi người không còn ngồi lại với nhau trong việc cầu nguyện và đi lễ nữa?  Có phải là bầu da đã vỡ, khi mà tôi rơi vào tình trạng bối rối tâm linh, mặc cảm tội lỗi hoài?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi muốn xin được Chúa vá áo gia đình tôi lại chăng?  Tôi muốn xin Chúa cho được ơn sáng suốt trong việc giáo dục con cái và tìm được hướng đi thực hành đức tin và lẽ sống thích hợp nhất cho gia đình chăng?      

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment