Mát-thêu 13:31-33
31Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời giống như chuyện hạt
cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại
nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn
nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” 33 Người
còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia
lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
(Trích
Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Mấy tuần này, Giáo hội muốn tôi suy niệm về Nước Trời qua những dụ
ngôn của Chúa Giêsu. Trước hết, cần phải
tránh sự hiểu lầm trong cách viết của Mát-thêu về hai chữ, “Nước Trời,” nằm
ngay đầu dụ ngôn của Chúa Giêsu, một kiểu viết rất khác với Mác-cô và Luca, “Nước
Thiên Chúa”. Sở dĩ Mát-thêu dùng kiểu viết
“Nước Trời” là vì, ngài viết Phúc âm cho người Do-thái, mà người Do-thái lại rất
giống người Việt Nam ở chỗ, kiêng nói đến tên của những người cao trọng. Vì thế, thay vì viết “Nước Thiên Chúa,”
Mát-thêu đã tránh dùng chữ “Thiên Chúa,” nên đã viết “Nước Trời,” để tránh phạm
húy. Tuy nhiên, hai chữ này rất dễ làm
cho tôi nghĩ, “Nước Trời” là nơi mà sau khi chết tôi sẽ được Chúa thưởng, chứ
nơi ấy không có ở đời này. Không. Nước Trời, mà Chúa Giêsu nói, đang xảy ra
quanh tôi, đó là nơi của những mối tương quan yêu thương giữa tôi với những người
chung quanh ngay tại đời này. Bài đọc
hôm nay, Chúa Giêsu nói Nước Trời bắt đầu rất nhỏ, như hạt cải, nhỏ đến mức
không ai để ý, nhưng khi mọc lên lại có thể trở thành chỗ nương náu cho chim chóc. Tôi có thể nhìn vào lịch sử Giáo hội để thấy
những lời Chúa Giêsu nói là thật. Chẳng
hạn, trong hai ngàn năm qua, Nước Trời đã rủ bóng qua sự tranh đấu cho quyền con
người, quyền được tôn trọng nhân phẩm từ khi sinh đến khi chết, quyền giới lao
động, phẩm giá của người di dân và tị nạn, những nỗ lực mở mang giáo dục từ sơ
cấp đến đại học, sự quan tâm săn sóc những người già, người nghèo, người khuyết
tật, những người bị xã hội ruồng bỏ vì mắc phải những chứng bệnh lây lan và hiểm
nghèo như: bệnh cùi, Si-đa, Covid-19… Bản
thân tôi đã được hưởng những ích lợi nào từ Nước Trời, tức Giáo hội ngày nay? Tôi có thể là khởi điểm cho nước trời tiếp tục
lớn lên trong cuộc đời này không? Dù những
gì tôi có chỉ nhỏ như hạt cải, hãy quảng đại, tin tưởng và lạc quan để Chúa
dùng, nó sẽ trở thành nơi nương náu cho nhiều người.
2.
Chúa Giêsu cũng ví Nước Trời như một chút men trong bột có thể làm
cả khối bột dậy men. Nước Trời mà Chúa Giêsu
nói, nhỏ bé đến vô hình, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung
quanh. Dù thực tế có như thế nào, tôi có
muốn là men, ẩn mình, vô hình, nhưng tác động rất lớn ở mọi nơi tôi hiện diện? Tôi có thể là men trong gia đình tôi, cộng
đoàn giáo xứ và cuộc đời này không?
Trong giây phút này tôi để ý, xem Chúa muốn tôi là men ở đâu và như thế
nào trong ngày hôm nay?
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment