Gioan 20:1-2, 11-18
1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc
trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi
mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn
đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người
ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
11Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần
bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi
xuống nhìn vào trong mộ, 12thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng
ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía
chân. 13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà
thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở
đâu!” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó,
nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với
bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà
Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi,
thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức
Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!”
(nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ
Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy
lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy,
cũng là Thiên Chúa của anh em’.” 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la
đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói
với bà.
(Trích
Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm nay là lễ kính Thánh Maria Mác-đa-la. Bà là một nhân vật nổi tiếng nhất và là người
được nêu tên trước nhất trong tất cả các trình thuật phục sinh ở cả bốn phúc
âm. Khi thì các thánh sử ghi nhận về một
mình bà, khi thì viết bà với một nhóm các bà khác, trong đó có cả Mẹ Maria, và
bà chính là người đầu tiên loan tin Chúa Giêsu phục sinh. Chính vì thế, bà được gọi là tông đồ của các
tông đồ. Tại sao bà được như vậy? Yêu. Chính
tình yêu của bà với Chúa Giêsu đã cho bà được danh hiệu này. Cũng chính tình yêu đã thúc đẩy bà đi ra mộ từ
tảng sáng, để ở bên người bà thương mến, dù chỉ còn là xác chết. Bà đã khóc lóc, đau khổ và hoang mang khi
không còn thấy xác của người bà yêu nữa.
Có khi nào tôi mong mỏi, kiếm tìm Chúa bằng mọi cách như vậy không? Có khi nào tôi khổ sở tìm Ngài mà chẳng thấy
đâu không? Tôi cảm thấy thế nào những
lúc ấy? Tôi xem lại tình yêu của tôi với
Chúa đã dẫn tôi vào giờ cầu nguyện này như thế nào, và tìm kiếm Ngài trong ngày
sống của tôi ra sao.
2.
Gioan ghi nhận: Bà Maria Mác-đa-la
đi báo cho các môn đệ rằng, bà đã thấy Chúa Giêsu. Có thể Gioan đã quá tiết kiệm chữ viết, không
hói rõ hay nói hết tâm trạng của Maria Mác-đa-la. Bởi chắc chắn bà không thể ĐI, nhưng là VỘI
VÀNG CHẠY VỀ BÁO TIN, không chỉ cho các tông đồ mà là TẤT CẢ MỌI NGƯỜI QUEN BIẾT. Nhưng cũng cám ơn Gioan, bởi tiết kiệm lời
như vậy mà tôi có thể đi vào tâm trạng của Maria Mác-đa-la, hiểu sâu hơn về bà
bằng cách thức rất riêng tư của tôi. Tôi
muốn đặt mình vào tâm trạng của bà Maria Mác-đa-la, một người yêu Chúa hết
mình, chứng kiến Ngài bị chết một cách đau đớn và nhục nhã, tẩm liệm xác người
bà yêu một cách vội vã trước ngày sa-bát trong sợ hãi, thất vọng, và hoang mang. Vậy mà bây giờ, bà được gặp lại Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, không có niềm vui nào lớn hơn nữa;
không có sức mạnh nào có thể ngăn cản nổi niềm vui của bà muốn nói với mọi người
về kinh nghiệm gặp Chúa. Chắc chắn, bà
không thể tập trung làm bất cứ chuyện gì khác nữa, ngoài việc loan báo tin mừng
phục sinh. Có khi nào tôi đã kinh nghiệm
về Chúa, như Ngài đã ở với tôi, cảm hóa tôi, làm cho lòng tôi tràn ngập hạnh
phúc, mỗi bước đi của tôi cứ nhẹ như bay?
Tôi đã làm gì những lúc đó? Có ai
có thể ngăn cản niềm vui ấy của tôi được không, cũng như có thể ngăn chặn nổi
tôi, không cho tôi chia sẻ niềm vui ấy? Nếu
chưa được Chúa cảm hóa, tôi có thể nói chuyện với Maria Mác-đa-la để bà kể cho tôi về kinh nghiệm gặp Chúa của bà. Tôi cũng có thể xin Chúa cho tôi được cảm nghiệm một chút về
Ngài.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment