Thursday, July 2, 2020

Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên – Năm A – 3-7-2020 – Lễ Thánh Tô-ma Tông Đồ

Thu Sau XIII TN


Gioan 20:24-29

24Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông.  Các cửa đều đóng kín.  Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.  Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.  Phúc thay những người không thấy mà tin!”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ Kính Thánh Tô-ma Tông đồ, một vị thánh vốn bị gọi là ông thánh cứng lòng tin.  Nhưng chắc đã phải chỉ có ông cứng lòng tin, hay chính tôi cũng cứng lòng tin?  Nếu tôi còn cho Tô-ma là một người cứng lòng tin, chứng tỏ tôi không hiểu chủ đích của Gioan khi muốn ghi nhận sự kiện này trong phúc âm của ngài.  Nếu tôi còn cho Tô-ma là một người cứng lòng tin, chứng tỏ tôi đã quá tự hào về tôi, hoặc tôi đã không biết tôi.  Nếu tôi đọc toàn bộ Phúc âm Gioan, tôi sẽ thấy sự xuất hiện câu chuyện của Tô-ma trong phúc âm này là rất có lý.  Chúa Giêsu trong Phúc âm Gioan được xem là một Chúa Giêsu thích làm việc riêng rẽ với từng người, rất ít khi Ngài xuất hiện với đám đông, giống như trong Phúc âm Nhất lãm.  Những lúc Chúa Giêsu xuất hiện với đám đông chỉ toàn là những người chống đối Ngài, mà Gioan xếp họ vào loại “thế gian.”  Trong khi đó, Chúa Giêsu thích tiếp xúc với từng người một, những người muốn tin nhận Ngài, chẳng hạn như: Ni-cô-đê-mô, người đàn bà bên bờ giếng, người mù từ khi mới sinh…, và Tô-ma trong bài đọc hôm nay.  Khi sắp xếp như vậy, Gioan có một chủ đích rõ ràng: Đức tin là một hành trình mang tính cá vị, riêng tư với Thiên Chúa.  Đức tin không thể là a-dua, theo đám đông, dựa dẫm người này người khác, tệ hơn nữa, vì cha mẹ tôi đã rửa tội cho tôi nên tôi phải là người Công giáo!  Mỗi người phải có một tương quan mang tính cá vị, mật thiết và riêng tư với Chúa Giêsu.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa?  Tôi có thể nói về Chúa Giêsu bằng chính kinh nghiệm riêng tư giữa tôi với Ngài, hay những gì tôi nói về Ngài chỉ là dựa hơi người khác, dựa hơi Giáo hội?  Tôi muốn đi vào trong sự gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu, ngay bây giờ.

2.      Tô-ma ao ước được thọc tay vào vết thương của Chúa Giêsu và Ngài đã cho ông toại nguyện.  Chính nhờ vậy mà ông đã nói lên được: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Đây là lời tuyên xưng đầu tiên trong toàn bộ phúc âm, tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mà trước đó không một tông đồ hay môn đệ đã nói lên được.  Tôi cũng sẽ chỉ nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa nếu tôi có kinh nghiệm riêng tư với Ngài.  Tôi muốn thọc tay vào vết thương của Chúa không?  Hãy xin và tôi sẽ được.  Coi chừng mà không “rút” tay ra được!  Nhưng chắc chắn, ngày nào tôi được thọc tay vào vết thương của Chúa Giêsu, ngày đó đức tin của tôi mới thực sự trưởng thành, mới sinh hoa trái.  Tôi muốn xin và chờ Chúa Giêsu để được ơn thọc tay vào vết thương của Ngài, trong giây phút này.       

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment