Monday, July 6, 2020

Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên – Năm A – 7-7-2020

Thu Ba XIV TN


Mát-thêu 9:35-38

35Khi ấy, Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. 36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ngay câu đầu của bài đọc hôm nay có thể cho tôi thấy được một ngày làm việc của Chúa Giêsu.  Ngài thật bận rộn vươn ra với mọi người, hết rao giảng đến chữa lành, trong hội đường cũng như các làng mạc.  Tôi có thể bắt chước Chúa Giêsu có một ngày bận rộn với những việc tốt lành ở mọi nơi tôi đến, với mọi người tôi gặp trong ngày chăng?  Ngày hôm nay, tôi muốn bắt chước Chúa Giêsu, sẽ chỉ bận rộn chia sẻ niềm vui, an ủi những ai buồn phiền, động viên những ai suy nhược, nâng đỡ những ai mệt mỏi, thay vì ngồi lê mách lẻo, chỉ trích và dèm pha, xuyên tạc và bêu xấu với những người xung quanh hoặc trên internet.  Tôi xin Chúa chúc lành cho ngày sống của tôi hôm nay sao cho, mỗi ngày của tôi được một chút giống ngày của Chúa Giêsu.

2.      Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông thì thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và như đồng lúa chín vàng không thợ gặt.  Có khi nào tôi có một cái nhìn vào cuộc đời, cộng đoàn và gia đình mà thương và lo như Chúa Giêsu chăng?  Đâu là những đàn chiên vất vưởng, lang thang mà đang cần tôi chăn dắt?  Tôi làm một điều gì được không?  Đâu là những đồng lúa chín đang cần thợ, tôi là một trong những người thợ ấy được không?  Tôi muốn mỗi ngày được giống Chúa Giêsu, có những thao thức và mơ ước những điều thiện hảo cho cuộc đời.  Tôi muốn ngồi bên Chúa Giêsu trong giây phút này và hỏi Ngài xem, tôi có thể làm gì cho đàn chiên bơ vơ và đồng lúa vàng mà Ngài đang quan tâm hiện nay.      

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment