Tuesday, July 28, 2020

Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 29-7-2020 – Lễ Thánh Mác-ta

Thu Tu XVII TN

Gioan 11:19-27

19Khi ấy, nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô là La-da-rô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người.  Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.  Chị có tin thế không?” 27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có.  Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ Thánh Mác-ta.  Dù bà chỉ được nhắc đến rất ít trong Tân ước, nhưng bà lại rất nổi tiếng, nhờ cách viết tài giỏi của Luca và Gioan làm cho mọi người, dù chỉ đọc qua hay nghe qua một lần về bà cũng sẽ, nhớ mãi về bà.  Lần duy nhất bà được nhắc đến trong Phúc âm Luca đó là khi Chúa Giêsu đến thăm và dùng bữa với bà cùng em gái của bà là Maria, 10:38-42.  Bà được nhớ mãi trong câu chuyện này như là người rất yêu Chúa Giêsu qua sự bận rộn phục vụ.  Lần thứ hai bà được nhắc đến trong Tân ước, Phúc âm Gioan, đó là bài đọc hôm nay, khi Chúa Giêsu đến chữa cho em trai của bà là La-da-rô được sống lại, 11:1-39.  Bà được nhớ mãi trong câu chuyện thứ hai này như là người có đức tin mạnh mẽ, đã tuyên tín Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.  Một lần nữa bà được nhắc đến trong Phúc âm Gioan, 12:2, đó là câu chuyện giống trong Phúc âm Luca, khi bà bận rộn phục vụ Chúa Giêsu, còn em của bà xức dầu ở chân Ngài.  Hình ảnh nào về Mác-ta gây ấn tượng nhất trong tôi?  Có khi nào tôi đã rất giống Mác-ta trong tương quan với Chúa như: bận rộn trong phục vụ, hoặc niềm tin xác tín?  Hình ảnh nào đã dẫn tôi đến gần, để hiểu và yêu mến Chúa Giêsu nhất?  Tôi muốn dùng hình ảnh nào để diễn tả tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu cho mọi người xung quanh trong ngày hôm nay?

2.      Mác-ta đã cho người đi tìm Chúa Giêsu để báo cho Ngài biết em trai của bà đang đau nặng.  Bà cũng là người đã chạy ra gặp Chúa Giêsu, khi nghe tin Ngài đến.  Câu đầu tiên của bà với Chúa Giêsu đó là trách móc sự chậm trễ của Ngài, vì em trai của bà đã chết bốn ngày rồi.  Tôi có thể hình dung sự thất vọng của Mác-ta về Chúa Giêsu lớn như thế nào, khi bà biết Chúa Giêsu như người thân trong nhà của bà.  Bà lại còn được biết Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ ở nhiều nơi và với nhiều người, vậy mà bà lại không được Ngài chiếu cố, đến đúng lúc để chữa và cứu sống cho em của bà.  Sự thất vọng đến nỗi phát thành những lời trách móc, chảy thành lệ rơi, nói lên sự thân mật, thân thiện và thoải mái của bà đối với Chúa Giêsu.  Có khi nào tôi đến với Chúa Giêsu một cách thoải mái, thân thiện và bộc trực, không một chút e dè, ngại ngùng như vậy không?  Tôi cũng có thể hình dung niềm vui của bà lớn như thế nào, niềm tin của bà mạnh mẽ như thế nào khi được Chúa Giêsu đến an ủi, trấn an cho đức tin của bà rằng, em trai bà sẽ sống lại.  Có khi nào tôi cũng cảm thấy được Chúa Giêsu chiếu cố, an ủi, nâng đỡ và trấn an tôi, mỗi khi tôi gặp khó khăn hoặc bị chao đảo trong cuộc sống?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Trách móc Ngài, tuôn lệ ra với Ngài, hay xin Ngài củng cố niềm tin và trấn an tôi?  Tôi có điều gì muốn được Chúa Giêsu quan tâm trong lúc này không?  Tôi để ý Ngài nói gì và phản ứng thế nào với tôi trong lúc này.     

Phạm Đức Hạnh, SJ


0 comments:

Post a Comment