Thursday, July 16, 2020

Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên – Năm A – 17-7-2020

Thu Sau XV TN

Mát-thêu 12:1-8

1Khi ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” 3 Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến.  Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? 6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Người Do-thái rất coi trọng lề luật, và lề luật bao trùm cả đời sống của họ, ở đâu cũng chỉ là một, đời sống đạo cũng như đời sống thường ngày.  Có lẽ, không một dân tộc nào giữ luật nghiêm ngặt và tỉ mỉ như dân tộc Do-thái.  Ba điều làm nên người Do-thái tốt: chịu phép cắt bì, giữ luật thanh sạch và giữ luật ngày sa-bát.  Bài đọc hôm nay đề cập đến chuyện các môn đệ của Chúa Giêsu bị những người Pha-ri-sêu chê trách vì đã không giữ luật ngày sa-bat, khi họ bứt lúa vò trên tay ăn, dù chỉ là ăn chơi cho vui miệng.  Theo Ronald L. Eisenberg, người Do-thái, bao lâu nay, không được làm rất nhiều thứ trong ngày sa-bát, như: gieo, cày, gặt, bó rạ, đập lúa, sàng lọc, phân loại hạt giống, rây lúa, xay bột, nhào bột, nướng bánh, xén lông cừu, tẩy trắng lông cừu, chải lông cừu, nhuộm lông cừu, kéo sợi, may vá, xâu kim, dệt vải, đan, móc, cắt vải, giặt quần áo, mài dao kéo, bẫy thú, săn bắn, giết mổ động vật, cạo lông, lột da, chữa bệnh, cắt thịt, thuộc da, gọt bút, viết, vẽ, đánh máy, tẩy xóa, xây cất, phá hủy, mở dù, đốt lửa hoặc tắt lửa, hút thuốc, dùng điện thoại, bật điện, chỉnh đồng hồ, lên giây cót đồng hồ, tivi, raido, máy tính, máy giặt, bếp, lò, cắt móng tay móng chân, cắt tóc, nhuộm tóc, tết tóc, nhuộm áo quần, mua sắm, giao dịch kinh doanh, làm vườn, cắt cỏ, lái xe, hoặc đi xe…  Một lối sống bị ràng buộc bởi một hệ thống luật pháp chằng chịt và tỉ mỉ như vậy, đã khiến cho người Do-thái trở thành nô lệ cho luật.  Chúa Giêsu không chấp nhận kiểu giữ luật như vậy, Ngài bào chữa cho các môn đệ của mình.  Chính ở cách thức Chúa Giêsu bào chữa cho việc làm của các môn đệ mà tôi hiểu hơn lời Chúa Giêsu nói, Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật nhưng là để kiện toàn (Mt 5:17).  Cách thức bào chữa của Chúa Giêsu cho tôi thấy rõ ba điều: Luật pháp được làm ra là để phục vụ con người chứ không phải con người phục vụ luật pháp; thứ hai, luật pháp cần phải uyển chuyển và có giá trị đúng thời, đúng lúc; thứ ba, luật pháp phải là phương thức dẫn tôi đến sự sống tự do trong Thiên Chúa, chứ không giam hãm tôi xa cách Thiên Chúa và trở nên vô cảm với đồng loại.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể xem lại kiểu sống đạo, giữ luật của tôi bao lâu nay, vì con người hay vì lề luật?  Tôi đã áp đặt những luật lệ nào trên tôi hoặc người khác một cách máy móc, thiếu hiểu biết, thiếu uyển chuyển và thiếu tình người?  Những lề luật ấy đang giúp tôi trở nên tự do, vui sống hơn, hay đang biến tôi trở nên héo úa và vô cảm?   

2.      Tôi lấy câu Chúa Giêsu trích dẫn từ Kinh Thánh để nhìn lại đời sống của tôi: Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu muốn tế lễ.  Chúa Giêsu muốn lòng nhân nơi tôi.  Đâu là những việc làm và lối sống bao lâu nay của tôi diễn tả điều ao ước của Chúa Giêsu qua câu nói này?  Ngày hôm nay, và từ nay trở đi, tôi muốn sống sao cho ngập đầy lòng nhân, chan hòa tình nghĩa, và dạt dào yêu thương.

Phạm Đức Hạnh, SJ 


0 comments:

Post a Comment