Sunday, December 18, 2022

Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng – Năm A –19-12-2022

Thu Hai IV MV 

Luca 1:5-25

5Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông tên là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi, và cả hai đều đã cao niên. 8 Vậy một ngày kia ông Da-ca-ri-a đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông. 9 Theo tục lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. 11 Bấy giờ một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và phát sợ. 13 Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan vì con trẻ chào đời. 15 Vì em sẽ nên cao cả trước mặt Chúa.  Em sẽ không uống rượu và thức có men.  Em sẽ được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” 18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?  Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã cao niên.” 19 Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và họ biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh.  Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm. 23 Khi thời gian phục vụ đã mãn, ông trở về nhà. 24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25 Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Đọc Phúc âm Luca tôi có thể thấy một trong những điểm rất nổi bật từ Phúc âm này, đó là: Thiên Chúa ở thật gần với những con người nhỏ bé trong xã hội.  Chính vì thế, Phúc âm Luca còn được gọi là Tin Mừng cho những người nghèo, những người bị áp bức bất công, những người bị loại ra bên lề xã hội.  Tôi có thể bắt gặp điểm nổi bật này ngay trong bài đọc hôm nay, ngay từ trang đầu tiên của Phúc âm Luca.  Trong xã hội phụ hệ Do-thái, trọng nam khinh nữ giống văn hóa Việt Nam, “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, có một đứa con trai cũng kể là có con, mà có mười đứa con gái cũng kể là vô sinh!  Người ta đã áp đặt một gánh nặng kinh khủng trên những bà vợ rằng, bổn phận của họ là phải sinh con, và phải sinh con trai!  Trong một xã hội mà khoa học về sinh sản chưa phát triển, người ta không biết rằng chuyện vô sinh, hay không thể sinh con trai cũng còn tùy thuộc ở người chồng nữa; ấy thế mà, xã hội lại đổ hết trách nhiệm trên các bà vợ.  Người vợ nào mà không có con, hoặc không sinh được con trai, người vợ ấy sẽ bị xã hội khinh miệt; tệ hơn nữa, người ta cho việc vô sinh hoặc không sinh được con trai là do người vợ ấy đã phạm tội gì đó nặng lắm, hoặc nếu không phải tội của người vợ ấy, thì cũng là tội của cha mẹ người vợ ấy, nên trời mới phạt!  Hiểu bối cảnh lịch sử và văn hóa như vậy, tôi mới cảm thông được nỗi nhục của vợ chồng ông bà Da-ca-ri-a bị xã hội khinh khi, đàm tiếu, và hiểu được nỗi khổ tâm của bà Ê-li-sa-bét.  Không chừng, bà Ê-li-sa-bét đã luôn bị chồng đay nghiến, chì chiết và lấy cớ cho mọi xào xáo trong gia đình chỉ vì bà đã không sinh cho ông được một mụn con nào.  Chưa hết, bà có thể sống trong thoi thóp, không biết khi nào ông ấy sẽ bỏ bà.  Đồng thời, hiểu được bối cảnh lịch sử và văn hóa như vậy, tôi mới thấy bài đọc hôm nay thật hay, đó là: Thiên Chúa đã nghe được nỗi khổ và tủi nhục của những người nhỏ bé trong xã hội.  Ngài đã nhận lời họ kêu xin và xóa đi nỗi tủi hổ mà họ đã phải gánh chịu mấy chục năm qua.

2.  Hôm nay đã gần đến Lễ Giáng Sinh và với cách sắp đặt các bài đọc mỗi ngày, giáo hội như đang chuẩn bị cho tôi hiểu biết ý nghĩa đích thực của ngày Lễ này là gì và phải mừng Lễ này như thế nào.  Ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh chính là, nhận ra Thiên Chúa đã đi vào trong mọi khổ đau của con người, đến với tất cả những con người đang bị gạt ra bên lề xã hội.  Giáng Sinh không thể là một ngày lễ “hoành tráng”, với những trang trí lộng lẫy đèn chớp dài đến cả cây số, với những tiếng nhạc rênh rang ngợp đường phố, và với những đống quà bóc đến mỏi tay.  Nhưng, Giáng Sinh mỗi năm là dịp tôi muốn chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng đã trở thành món quà cho cả nhân loại, đặc biệt cho những con người bé nhỏ và thấp hèn trong xã hội, để rồi tôi cũng trở thành món quà cho anh chị em xung quanh, chia sẻ niềm vui với mọi người đau khổ quanh tôi.  Tôi làm việc này như thế nào?  Tôi ngồi bên Chúa trong giây phút này và bàn chuyện mừng ngày giáng sinh của Ngài như thế nào cho đúng nhất, đẹp nhất, và ý nghĩa nhất.  Lưu ý, Thánh Inhaxio Loyola (1491-1556) đã từng nói: “Nếu giáo hội của chúng ta không được đánh dấu bằng việc quan tâm đến người nghèo, người bị áp bức, người đói khổ, thì chúng ta đã phạm tội dị giáo rồi – If our church is not marked by caring for the poor, the oppressed, the hungry, we are guilty of heresy.          

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment