Mát-thêu 11:16-19
16Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai?
Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi
lũ trẻ khác, 17và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các
anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc
than.’ 18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì
thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 19 Con Người đến, cũng
ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân
thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức
Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
(Trích Phúc âm Mát-thêu,
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1. Hàng năm, Giáo hội mừng Lễ Giáng Sinh
với ba mục đích: 1) tưởng niệm biến cố Chúa Cứu Thế đến lần thứ nhất, giáng
sinh hai ngàn năm trước; 2) nhắc nhở mọi người chuẩn bị Chúa đến lần thứ hai
trong ngày tận thế; 3) nhắc nhở mọi người chuẩn bị Chúa đến trong tâm hồm của
mỗi người. Nếu hai ngàn năm trước Chúa
Cứu Thế đã giáng sinh, người ta đã không nhận ra; ngày hôm nay, nếu Chúa trở
lại lần thứ hai trong thế giới này, hoặc đến với tôi, chắc gì tôi và mọi người
đã nhận ra Ngài. Nhìn như vậy, tôi sẽ
thấy bài đọc hôm nay thật cần thiết cho tôi để suy niệm và cầu nguyện. Hôm nay đã là cuối tuần thứ hai của Mùa Vọng,
tức là tôi đang tiến gần đến lễ Giáng Sinh hơn.
Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi tôi phải biết lắng nghe, biết đọc
những dấu chỉ của thời đại mà nhận biết sự hiện diện của Ngài. Tôi có như đám trẻ trên đường phố hay hát đâm
hơi, hoặc nhảy lỗi nhịp? Khi hát nhạc
vui, tôi lại mang bộ mặt đưa đám; khi hát nhạc đám tang, tôi lại nói cười nhố
nhăng? Tại sao tôi lại có thái độ ngược
đời như vậy? Tôi xin Chúa giúp tôi hiểu
biết chính mình.
2. Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo
dân chúng về chứng mù lòa trong việc nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa
trong đời sống – Gioan đến trong dung mạo khắc khổ, người ta cho ông là bị quỷ
ám; Chúa Giêsu đến trong sự thân thiện thoải mái và gần gũi với mọi người, kể
cả những người tội lỗi, người ta lại cho Ngài là dân bợm nhậu. Chúa Giêsu đang có ý nói gì ở đây? Phải chăng Ngài đang mời gọi mọi người, nếu muốn
nhận biết sự hiện diện của Chúa, họ phải ra khỏi những thành kiến, cố hữu, và ý
nghĩ chủ quan của họ? Nếu Chúa hiện ra ngay
trong giây phút này, Ngài có nói với tôi như đã nói với những người
Do-thái? Đâu là những thành kiến, những
ý nghĩ cố hữu và chủ quan trong tôi về Thiên Chúa, hoặc sự hiện diện của
Ngài? Chẳng hạn, Thiên Chúa thì phải như
thế này, phải như thế kia, nếu Ngài xuất hiện khác với tiêu chuẩn, định kiến
cũng như suy nghĩ của tôi về Ngài, tôi không thể chấp nhận đó là Chúa? Người Do-thái đã nghĩ, Thiên Chúa xuất hiện phải
là trong cung điện và uy nghi, nên khi Ngài xuất hiện trong máng cỏ, giữa đống
phân bò, họ đã không nhận ra. Nếu Chúa
đến với tôi hôm nay trong dung mạo một người nữ, tôi có nhận ra không hay, Ngài
phải là người nam, như các họa sĩ nhồi nhét vào đầu tôi bao lâu nay; nếu Ngài xuất hiện
trong bào thai của người mẹ chưa có đám cưới, giống như Mẹ Maria, tôi có nhận ra
không hay, tôi sẽ bắt em đó phải đi phá thai; nếu Ngài xuất hiện trong dung mạo
của những người đồng tính, tôi có nhận ra không hay, phải là trong dung mạo những
người dị tính; nếu Ngài xuất hiện trong những người di dân, tôi có nhận ra
không; nếu Ngài xuất hiện trong những người vô gia cư, ngày ngày bới thức ăn từ
thùng rác, tôi có nhận ra không…? Có lẽ
ơn xin trong giờ cầu nguyện hôm nay là: Xin cho con biết lắng nghe, biết chuẩn
bị để trở nên nhạy bén trước sự hiện diện và tiếng nói của Chúa trong từng ngày
sống của con, đặc biệt ngoài sự tưởng tượng và suy nghĩ hạn hẹp và cố hữu của con. Giờ đây, tôi thành khẩn xin ơn này! Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát, “Con Gặp Chúa,” sáng tác của Phạm Quang,
qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=dzFp29uzuEs
0 comments:
Post a Comment