Mát-thêu 1:1-17
1Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông
Áp-ra-ham: 2Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp;
Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; 4A-ram
sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; 5Xan-môn
lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; 6Gie-sê
sinh Đa-vít.
Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia [Bát-se-va]
sinh Sa-lô-môn; 7Sa-lô-môn
sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; 8A-xa
sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; 9Út-di-gia
sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10Khít-ki-gia
sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11Giô-si-gia
sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
12Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh
Dơ-rúp-ba-ven; 13Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh
En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc
sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; 15Ê-li-hút sinh E-la-da;
E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16Gia-cóp sinh
Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng
Ki-tô.
17Như thế, tính chung lại thì: từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn
đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời
lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
(Trích Phúc âm
Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Hàng năm, cứ gần đến lễ Giáng Sinh, tôi lại được suy niệm về gia
phả của Chúa Giêsu. Tôi có thể cảm thấy
chán, khô khan khi đọc gia phả của Chúa Giêsu; bởi, toàn là những tên gọi lạ hoắc,
đọc méo cả miệng mà chẳng liên quan gì đến văn hóa và ngôn ngữ của tôi. Tuy nhiên, đừng để những tên gọi khó đọc này
làm cho giờ cầu nguyện của tôi khô khan; trái lại, hãy để ý cách viết của
Mát-thêu, rất hấp dẫn và độc đáo. Trước
hết, Mát-thêu viết Phúc âm cho những người Do-thái theo Kitô giáo. Chính vì thế Mát-thêu đã phải viết sao cho thật
gần với văn hóa Do-thái, để họ có thể hiểu và đón nhận Tin Mừng. Chẳng hạn, con số bảy là con số rất quan trọng trong văn hóa Do-thái, nó là con số tròn, chỉ sự
hoàn hảo. Chính vì thế mà Mát-thêu chia
gia phả của Chúa Giêsu thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm mười bốn đời (7x2=14). Chỉ một chi tiết nhỏ này cũng đủ để tôi suy
niệm trong giờ cầu nguyện này. Mát-thêu
muốn nói Thiên Chúa xuống thế làm người, đến trong những gì rất gần với tôi, từ
tập tục, văn hóa, thói quen đến đường đi nước bước của tôi. Nếu được hỏi: Chúa biết rõ về tôi như thế
nào? Ngài ở gần tôi ra sao? Tôi có thể trả lời rất dễ dàng: Ngài biết rất
rõ và ở thật gần trong tôi, bởi vì Ngài là Chúa! Tuy nhiên câu hỏi khó hơn, đó là: Tôi có thực
sự muốn Chúa biết về tôi và ở gần tôi đến mức nào? Câu hỏi này thật khó trả lời. Bởi, có thể bao lâu nay, tôi chỉ muốn Chúa biết
tôi như một người bạn xã giao qua đường, bạn hời thôi.
Chúa mà thật sự biết tôi như bạn thân, hay như người phối ngẫu của tôi,
tôi sẽ cảm thấy có Chúa là một điều rất phiền. Bởi, nếu có Chúa thật gần, tôi không thể gian
dối, ích kỷ, hận thù, hách dịch, ghen tương đố kỵ được, không thể tọc mạch buôn
chuyện người khác được, không thể ác nhân ác đức với người này người kia được...! Thiên Chúa bao giờ cũng yêu thương và muốn ở
thật gần trong tôi, nhưng tôi muốn không?
Tôi dành giây phút này để trả lời với Chúa câu hỏi này.
2.
Thứ đến, văn hóa Do-thái là văn hóa phụ hệ, trong đó sự khinh miệt
nam nữ rất rõ rệt, như văn hóa Việt Nam.
Trong xã hội phụ hệ ấy, nam được coi trọng, có tiếng nói, được sở hữu mọi
sự và có quyền đi lại trong xã hội mà không phải lệ thuộc vào nữ giới; trong
khi đó, nữ giới bị khinh thường, không có tiếng nói, không được sở hữu bất cứ
thứ gì, kể cả thân xác họ, không có quyền đi ra đường một mình, nhưng luôn luôn
phải đi với một người đàn ông, người đó có thể là cha mình, chồng mình, hoặc
con mình. Bởi thế, Mát-thêu viết gia phả
của Chúa Giêsu theo kiểu của văn hóa phụ hệ, trong đó: ông này sinh ra người
này người kia; chứ không viết: bà này sinh ra người này người kia; hay: ông bà
này sinh ra người này người kia. Tuy
nhiên, Mát-thêu đã không để cái tính phụ hệ ấy thống lĩnh cả gia phả của Chúa Giêsu,
nhưng đã có kiểu viết rất phá cách, qua việc thêm những người nữ (mầu đỏ) vào
trong gia phả. Mà họ không chỉ là những
người nữ tốt lành và hoàn cảnh bình thường, trái lại, toàn là những người đàn bà có
những lý lịch rất xấu, và hoàn cảnh bất thường.
Họ xấu đến mức, nếu họ là người trong dòng họ của tôi, không biết tôi có
dám kể họ vào gia phả của tôi không. Ấy
vậy mà, Mát-thêu đã kể họ vào trong gia phả của Chúa Giêsu, đây quả là một phá cách
đầy cách mạng. Hôm nay đã gần đến lễ
Giáng Sinh, nếu tôi cảm thấy xa Chúa bao lâu nay vì tội lỗi, hoặc nếu tôi cần một
lời nhắc nhở rằng – không gì có thể ngăn cách tôi khỏi tình yêu của Chúa – hãy suy
ngẫm trong giây phút này câu chuyện của Bà Tamar, một người dân ngoại và là người
tội lỗi, đã ăn nằm với bố chồng của mình (Sáng Thế 38). Có bao giờ tôi tự hỏi: Tại sao Chúa muốn tôi
thuộc về Chúa? Hoặc, tôi cảm thấy không
xứng đáng thuộc về Chúa, bởi vì đời sống của tôi quá rối rắm? Đây là những cảm giác luôn làm tôi khó chịu,
nhưng càng khó chịu hơn khi gần đến ngày Lễ Giáng Sinh. Nếu trong tôi đang có những cảm giác như vậy,
hãy suy niệm câu chuyện và cuộc đời của Bà Ra-háp, một người dân ngoại và là một
gái điếm (Giôsuê 2:9-13). Cuộc sống đầy
những khó khăn và khi những khó khăn thử thách cứ kéo dài tưởng như không có hồi
kết, thật dễ dàng để tự hỏi: Liệu Chúa có quan tâm hay không? Đôi khi còn hỏi: Liệu tin Chúa và trung thành
với niềm tin này có phải là điên không?
Nếu có những nghi hoặc về niềm tin, trong giây phút này hãy suy niệm câu
chuyện và cuộc đời của Bà Rút (Rút 1-4).
Rút đối mặt với muôn vàn thử thách trong đời. Nhưng trong câu chuyện của bà, tôi có thể thấy, Thiên Chúa không quên bất kỳ ai. Cuộc
đời thật trớ trêu, vì dù tôi có cố gắng thế
nào, cũng không thể hoàn hảo được. Cảm giác này
có thể làm tôi khổ tâm và càng không thoải mái vào dịp Lễ Giáng Sinh, khi tôi muốn mọi
thứ vui vẻ, muốn sống lại những kỷ niệm ấm áp trong quá khứ, nhưng thực tế là, câu
chuyện đời tôi lại chứa đầy tội lỗi và đổ vỡ. Câu chuyện vợ của U-ri-gia, tức là Bà Bát-se-va (2 Samuel 11:3), tôi sẽ chứng kiến những hậu
quả đau thương do tội lỗi của Vua Đa-vít gây ra, và tôi được mời gọi để có một
cái nhìn trung thực về kinh nghiệm tan vỡ của chính mình. Qua câu chuyện của Bà Bát-se-va, tôi sẽ nhớ tại sao Chúa Giêsu cần phải đến, khám phá ra
một tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa khi mừng Chúa Giêsu đến trong Lễ Giáng Sinh. Cuối cùng, khi Lễ Giáng Sinh đã gần kề, tôi được
nhắc nhở rằng, ngay cả sự ra đời của Đấng Cứu Thế nơi cung lòng Mẹ Ma-ri-a (Lc
2:1-7; Mt 1:18-24) cũng nhuốm mầu tai tiếng.
Trong giây phút này, tôi muốn khám phá ra Thiên Chúa, Đấng không trốn
tránh tội lỗi và đau khổ của tôi, thay vào đó, Ngài đến và ở bên tôi, và đem
tôi vào trong gia đình của Ngài.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment