Monday, December 19, 2022

Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng – Năm A –20-12-2022

Thu Ba IV MV
Luca 1:26-38

26Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.  Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”  Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc Phúc âm Luca hôm nay, câu chuyện truyền tin cho Mẹ Ma-ri-a, một thiếu nữ chưa có chồng, mang thai Đấng Cứu Thế, liền ngay sau bài đọc hôm qua, câu chuyện truyền tin cho Tư tế Da-ca-ri-a rằng vợ ông, cả hai dù đã già mà vẫn chưa có con, sẽ mang thai Gioan Tẩy Giả.  Tôi thấy điều gì lạ trong cách viết của Luca?  Chỉ trong Phúc âm Luca, ngay từ đầu, tác giả đã cho tôi thấy một triết lý rõ ràng trong cách nhìn về nam nữ.  Nếu bài đọc hôm qua là câu chuyện truyền tin cho Da-ca-ri-a, một người nam, bài đọc hôm nay là câu chuyện truyền tin cho Ma-ri-a, một người nữ.  Kể từ hai câu chuyện đầu tiên này, Luca luôn lưu ý viết tiếp sự song đôi nam nữ trong các câu chuyện còn lại của Phúc âm.  Chẳng hạn như: Gia đình Thánh gia lên đền thờ, họ đã không chỉ gặp nam Tiên tri Simeon, nhưng cũng gặp nữ Tiên tri Anna nữa (Lk 2); trong số các môn đệ không chỉ có nam mà có cả nữ nữa (Lk 8); trong những câu chuyện Chúa Giêsu chữa bệnh, nếu đã có câu chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người đàn ông, Luca cũng viết tiếp câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho mẹ vợ của Phê-rô (Lk 4:31-39); nếu có câu chuyện Chúa Giêsu chữa người đầy tớ ông đại đội trưởng khỏi bệnh, Ngài cũng làm cho con trai của bà góa Nain được sống lại (Lk 7:1-17); trong các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, nếu có câu chuyện dụ ngôn người đàn ông trồng cải, thì cũng có câu chuyện người đàn bà trộn men trong bột (Lk13:18-21); nếu đã có dụ ngôn người đàn ông mất chiên, thì cũng có dụ ngôn người đàn bà mất tiền (Lk 15:3-10); khi Chúa Giêsu chết và sống lại, không chỉ có các ông là nhân chứng mà có cả các bà nữa (Lk 23:50-56; 24:1-12).  Cách đây hai ngàn năm mà Luca đã cổ võ một sự bình đẳng trong xã hội, còn tôi thì sao?  Tôi có cái nhìn bình đẳng như thế nào giữa nam và nữ; tôi đã làm những gì cụ thể để cổ võ sự bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội?  Tôi cảm thấy như thế nào khi làm việc này?  Điều gì khiến tôi vô tâm, thờ ơ, hoặc không muốn tranh đấu hay cổ võ cho sự bình đẳng nam nữ quanh tôi?  Tôi nghĩ Chúa hài lòng về thái độ sống và cách ứng xử của tôi với người khác phái? 

2.     Câu chuyện truyền tin hôm nay cho Mẹ Ma-ri-a nghe sao thật gần với câu chuyện của đời tôi.  Trước thánh ý Chúa, Mẹ Ma-ri-a đã bối rối, khó hiểu, lưỡng lự, phân vân và cuối cùng đã chấp nhận.  Tôi có đang phải bối rối, khó hiểu, lưỡng lự, phân vân trước tiếng mời gọi nào của Chúa trong lúc này không?  Đối với Mẹ Ma-ri-a được thiên thần truyền tin cưu mang Đấng Cứu Thế, đối với tôi có thể thiên thần truyền tin cưu mang một cái nhìn mới về bình đẳng nam nữ chăng?  Tôi muốn không?  Tại sao?  Tôi nói chuyện với Chúa về những cảm nghĩ, dằn vặt, khó xử, khó nghĩ đang xảy ra trong tôi và xin được hướng dẫn.  Tôi có thể nói chuyện với Mẹ Ma-ri-a và học ở Mẹ cách phân định ý Chúa.        

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment