Công Vụ Tông Đồ 6:8-10; 7:54-60
6/8Thời đó, ông Tê-pha-nô
được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong
dân. 9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của
nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số
người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. 10 Nhưng
họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.
7/54Khi nghe những lời ông
nói, họ giận điên lên, và nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô. 55 Được
đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy
Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. 56 Ông nói: “Kìa, tôi
thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” 57 Họ
liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58rồi
lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân
chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. 59 Họ
ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy
hồn con.” 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy
Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế
rồi, ông an nghỉ.
(Trích Công vụ Tông đồ, bản dịch của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Mới ngày hôm qua, đi đâu tôi
cũng thấy quang cảnh rực sáng, khắp nơi người người ca hát thật vui nhộn, trào
tràn hy vọng, và đầy lạc quan; vậy mà hôm nay, các phẩm phục trong Thánh Lễ đã đổi
thành mầu đỏ, mầu của bắt bớ và tử đạo.
Hôm nay Giáo hội mừng lễ Thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo
hội. Cách sắp xếp ngày lễ tử đạo ngay
sau ngày Lễ Giáng Sinh, hai hình ảnh rất đối lập nhau, chắc hẳn có một chủ đích
mạnh mẽ. Nếu cuộc đời của Chúa Giêsu sinh
ra là để yêu và yêu cho đến dám thí mạng sống vì tôi, niềm tin Kitô của tôi
cũng phải như thế; tức là, bên cạnh những vui nhộn của ngày Lễ Giáng Sinh, tôi
đừng quên chuẩn bị đón nhận những bắt bớ và thử thách. Đây chính là một thực tế của niềm tin Kitô. Niềm tin Kitô không thể chỉ là tin Chúa theo
Chúa mọi chuyện sẽ rất dễ dãi, cuộc đời sẽ luôn là mầu hồng, sẽ luôn bằng phẳng
không một khó khăn sóng gió. Chúa Kitô
đã từng bị xua đuổi, bắt bớ và cuối cùng bị giết treo trên thập giá, đời sống
đức tin của mọi Kitô hữu cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn, chống đối, bách hại và
cũng có thể sẽ bị giết như Chúa Kitô. Như
vậy, hôm nay mừng lễ Thánh Tê-pha-nô là một lời nhắc nhở tôi phải luôn sẵn sàng. Tôi sợ không?
Tôi dám tin và theo Chúa nữa không?
Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu về niềm tin và lòng ao ước của tôi.
2. Ba cuộc tử đạo rất nổi bật
trong Kinh Thánh: cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy giả, của Chúa Giêsu và của
Thánh Tê-pha-nô. Tuy nhiên, cuộc tử đạo
của Chúa Giêsu mới đánh dấu một sự chuyển biến lớn, đặt nền cho căn tính Kitô
giáo. Trước Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tẩy
giả đã bị giết vì đời sống chứng nhân của ngài, tuy nhiên tôi không thể tìm
thấy trong đó một dòng tư tưởng nào nói về sự tha thứ trong cuộc tử đạo của Thánh
Gioan. Chỉ trong cái chết của Chúa Giêsu,
tôi mới gặp, trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu
xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Kể từ đó, những Kitô hữu đã bắt chước Chúa Giêsu cũng tha thứ
cho những kẻ giết mình, chẳng hạn như câu chuyện của Tê-pha-nô hôm nay và biết bao nhiêu cuộc tử đạo của các Kitô hữu khác. Tôi đọc lại bài đọc trên và muốn bắt chước
Chúa Giêsu cũng như Thánh Tê-pha-nô, sống tha thứ cho những người hiểu lầm,
chống đối, chỉ trích và hãm hại tôi. Đây
là việc làm rất khó. Tôi nói chuyện với
Chúa Giêsu hoặc Thánh Tê-pha-nô để tìm sức mạnh và sự can đảm dám tha thứ.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment