Gioan 20:2-8
2Sáng sớm ngày Phục Sinh, bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy đi gặp ông Si-môn
Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và
chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” 3 Ông Phê-rô và môn đệ
kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ
kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi
xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông
Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông
vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che
đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn
với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy
giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm
Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Trong Tân Ước có bốn Phúc âm: Mát-thêu,
Mác-cô, Luca và Gioan. Bốn Phúc âm này đều
trình thuật về cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng Phúc âm Gioan lại có một
cách viết rất khác so với ba Phúc âm kia.
Phúc âm Gioan nhấn mạnh đến thiên tính của Chúa Giêsu, thiên tính ấy từ
Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã đến cứu độ trần gian. Phúc âm Gioan còn nhấn mạnh đến tương quan
giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha và với các môn đệ, một tương quan rất sâu đậm, đầy
thân mật. Bởi thế lời lẽ trong Phúc âm
Gioan phần nhiều rất cao siêu và trừu tượng, khiến cho không ít người thích đọc
Phúc âm này, vì rất khó hiểu. Tuy nhiên
những ai thích Phúc âm Gioan sẽ cảm thấy, đây là một tập truyện tình mà trong
đó, lai láng tình cảm, thấm đậm tình yêu.
Tình yêu vốn dĩ là cái gì rất sâu kín ở trong mỗi con người, mà nhiều khi
ngôn từ trở nên như què quặt, không đủ để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu. Bởi thế, người ta thường phải dùng rất nhiều
cách nói mang tính biểu tượng để diễn tả về tình yêu. Chẳng hạn thi sĩ Xuân Quỳnh đã dùng rất nhiều
biểu tượng để nói về nỗi nhớ, sự trống trải của đôi tình nhân khi họ xa cách
nhau qua bài, “Biển Nỗi Nhớ và Em”:
Em xa anh, trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ
Biển vẫn thấy mình dài rộng thế
Xa cánh buồm, một chút đã cô đơn
Gió âm thầm không nói
Mà sao núi phải mòn
Anh đâu phải là chiều
Mà nhuộm em đến tím…
2. Hôm nay là lễ kính Thánh Gioan, tác giả của Phúc âm Gioan. Bài đọc hôm nay nhắc đến những con người yêu
mến, gắn bó một cách mật thiết với Chúa Giêsu; nhưng trong những người ấy có
một người mà Chúa Giêsu rất yêu mến, mà người này lại không có tên. Nhờ cách viết mang tính biểu tượng như vậy mà
tôi có thể thấy, Gioan đang viết về tôi, ngài dành chỗ cho tôi trong cách viết
của ngài, không chỉ là một độc giả, nhưng quan trọng hơn tôi là một môn đệ được
Chúa Giêsu yêu. Người môn đệ Chúa Giêsu
yêu đã được gọi ra mộ của Thầy Giêsu, người ấy đã vào trong mồ nơi chôn cất
Thầy yêu dấu của mình. Sau khi quan sát,
người môn đệ Chúa Giêsu yêu đã nhận ra và đã tin. Đúng là khi yêu, người ta trở nên rất nhạy
bén về sự hiện diện của người mình yêu, người ta rất hiểu về người mình yêu,
người ta cũng nhớ rất kỹ về từng cử chỉ và lời nói của người mình yêu. Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thấy tôi là
người môn đệ Chúa Giêsu rất yêu mến không?
Tôi muốn đi vào trong mồ nơi đã chôn cất Chúa Giêsu, để quan sát, để suy
ngẫm, để hiểu về Ngài hơn. Tôi để ý tôi
nhanh nhạy, nhớ, hiểu Chúa Giêsu như thế nào?
Tôi ở lại trong sự hiện diện và tình yêu của Chúa Giêsu.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment