Luca 1:26-38
26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần
Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp
một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua
Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ
thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở
cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời
chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà
Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này
đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người
sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai
vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà
Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà
Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến
việc vợ chồng?” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên
bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh
ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét,
người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà
ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì
đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy
giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người
thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”
Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
(Trích Phúc âm
Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu
nguyện
1.
Hôm nay lễ
kính Đức Mẹ Guadalupe, một lễ nhớ bậc thường trong Lịch Phụng Vụ của Giáo hội
hoàn vũ, nhưng là một lễ nhớ bậc trọng của Giáo hội Mỹ và Giáo hội Mễ-tây-cơ. Lễ Đức Mẹ Guadalupe được mừng vào tuần thứ ba
của Mùa Vọng, tuần lễ của Vui mừng, quả là một việc làm rất đẹp, bởi Mẹ thật sự
là niềm vui và an ủi của mọi người Công giáo, vì nhờ Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế,
niềm vui cứu cánh của cả nhân loại. Chính
vì thế, từ những ngày đầu của lịch sử giáo hội, lòng sùng kính Đức Mẹ đã luôn
được phổ biến rộng rãi và hấp dẫn rất nhiều người trong cũng như ngoài giáo hội. Ở đâu cũng thế, mọi người đều có một cảm nghiệm
chung về Mẹ Maria, đó là: Mẹ là niềm vui và nguồn an ủi của tất cả mọi người khổ
đau. Trên thế giới hiện nay, có lẽ đã có
đến hàng trăm nơi nói rằng, Đức Mẹ đã hiện ra với họ, trong số đó có Đức Mẹ La
Vang của Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh
những lệch lạc về niềm tin, một nơi nào đó nói đã được Đức Mẹ hiện ra và được
Giáo hội hoàn vũ chính thức công nhận, đều phải trải qua một quá trình xem xét
rất cẩn thận, kỹ lưỡng, lâu dài và rất phức tạp. Chính vì thế mà trên thế giới hiện nay, Giáo
hội hoàn vũ mới chỉ công nhận mười nơi Đức Mẹ có hiện ra. Mười nơi ấy là: 1) Năm 1531, Đức Mẹ Guadalupe
hiện ra bốn lần tại ngọn đồi Tepeyac bên ngoài Thành phố Mexcio, với một người thổ
dân Nam Mỹ mới gia nhập Công giáo, tên là Juan Diego. Mẹ đã để lại hình ảnh của Mẹ, vĩnh viễn trên
áo choàng của Diego, khi anh ta đến gặp Đức Giám Mục của Giáo phận để nói về
phép lạ mà anh ta đã chứng kiến; 2) Đức Mẹ
đã hiện ra năm mươi bốn năm liền với cô bé chăn cừu Benoite Rencurel, kể từ năm
1664 đến năm 1718, tại Laus, Pháp; 3) Đức
Mẹ hiện ra ba lần với một tập sinh Catherine Laboure, tại nguyện đường của Dòng
Nữ Tử Bác Ái Vinh-sơn, năm 1830, ở Paris, Pháp; 4) Năm 1846, Đức Mẹ hiện ra với
Maximin Giraud (11 tuổi) và Melanie Calvat (14 tuổi), khi các em đang chăn cừu
tại dãy núi Alps, La Salette, Pháp; 5) Năm 1858, Đức Mẹ hiện ra mười tám lần với
Bernadette Soubirous (14 tuổi), tại Lourdes, Pháp; 6) Năm 1871, Đức Mẹ hiện ra
với các em học sinh: Eugene, Joseph Barbadette, Francoise Richer và
Jeanne-Marie Lebosse, tại Pontmain, Pháp; 7) Năm 1879, Đức Mẹ hiện ra với khoảng
mười lăm người tại Knock, Ái-nhĩ-lan, trong một cơn mưa như trút nước đã xuất
hiện hình ảnh của Mẹ Maria, Thánh Giu-se, Thánh Gioan Tông đồ và một con cừu
trên một bàn thờ đơn sơ, tại đầu hồi của nhà nguyện làng, được bao phủ bởi ánh
sáng rực rỡ; 8) Năm 1917, Đức Mẹ hiện ra sáu lần với Lucia de Santos (10 tuổi),
Francisco (9 tuổi) và Jacinta Marto (7 tuổi), tại Fatima, Bồ Đào Nha; 9) Những
năm 1932-33, Đức Mẹ đã hiện ra đến ba mươi ba lần với các em Andree, Gildberte
Degeimbre, Albert, Fernande và Gilberte Voisin, tại Beauraing, Bỉ; 10) Năm 1933, Đức Mẹ đã hiện ra với em Mariette Beco (11 tuổi),
trong khu vườn phía sau nhà của em, tại Banneux, Bỉ. Trở lại với ý lễ hôm nay, Lễ kính Đức Mẹ
Guadalupe, một ngày lễ rất quan trọng đối với mọi người con dân Mễ-tây-cơ. Mẹ Guadalupe đã trở thành biểu tượng quốc gia
Mexico mà không chỉ những người Công giáo, cả những người không Công giáo Mễ-tây-cơ
cũng hãnh diện mang hình ảnh của Mẹ trong nhà, trên xe, trên áo quần, hoặc xâm
trên người. Chính vì thế, mỗi năm có đến
hai mươi triệu người và chỉ riêng Tháng Mười Hai hàng năm, có khoảng chín triệu
người đến viếng Vương Cung Thánh Đường Guadalupe để hành hương và cầu nguyện với
Mẹ Guadalupe. Chứng tỏ Mẹ Maria là một
nguồn vui rất lớn đối với Kitô hữu.
2.
Bài đọc hôm nay tràn
ngập niềm vui. Trước hết, đó là Mẹ Maria
được Thiên thần Gabriel truyền tin Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người trong
lòng Mẹ. Niềm vui này quá lớn đối với Mẹ
và sự tưởng tượng của con người, khiến Mẹ đi từ sợ hãi, đến bối rối, đến vui mừng
có thể vỡ òa. Nhưng không phải chỉ là niềm
vui riêng cho Mẹ vì được Thiên Chúa làm người trong lòng của Mẹ, niềm vui này
là niềm vui của cả nhân loại. Nhờ Mẹ dám
thưa “ xin vâng” với Thiên Chúa, mà niềm vui này trở thành niềm vui của cả nhân
loại, trong đó có tôi. Tôi đọc lại bài đọc
trên để thấy trước hết, Mẹ rất vui vì được vinh dự cưu mang Đấng Cứu Thế; kế đó,
Thiên Chúa rất vui vì sự nhận lời của Mẹ, và cuối cùng, cả nhân loại được vui
vì ơn cứu độ đã được ban tặng là, Con Một Thiên Chúa đã sinh làm người, ở giữa
cuộc đời này để cứu độ và chia sẻ với tất cả khổ đau của con người. Tôi có thấy vui không? Tôi sẽ chia sẻ niềm vui này như thế nào với mọi
người xung quanh? Tôi muốn trở nên cái cớ để
Thiên Chúa vui, khi tôi dám nói lời “xin vâng” với Ngài về thách đố
nào đó mà Ngài đang muốn ở nơi tôi lúc này, hầu qua tôi Ngài có thể đến và làm cho mọi
người quanh tôi cũng được vui?
Tôi chiêm ngắm, tôi cảm nghiệm trọn vẹn niềm vui từ bài đọc hôm nay, và tôi
tập nói lời “xin vâng” với Chúa, như Mẹ Maria.
Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng cách, xin Mẹ dạy tôi biết
nói tiếng “xin vâng” với Chúa như Mẹ, qua bài hát, “Từ Lúc Mẹ Nói Lời Xin Vâng”, sáng tác của Trầm Hương, do Mai Hậu
trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=DpX04mdETtY
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment