Tuesday, November 1, 2022

Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên – Năm C –2-11-2022 – Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời

 Thu Tu XXXI TN

2 Ma-ca-bê 12:43-45

43Khi ấy, ông Giu-đa Ma-ca-bê quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng hy lễ tạ tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. 44 Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. 45 Nhưng nếu ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện.  Đó là lý do khiến ông xin dâng hy lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.

(Trích Sách Ma-ca-bê II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ mà theo cách gọi bình dân gọi là Lễ Các Linh Hồn, nhưng cách gọi đúng và thân thiện hơn, đó là: Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời.  Có lẽ trong các ngày lễ của năm, Lễ hôm nay, cầu cho các tín hữu đã qua đời, là gần với phong tục và tín ngưỡng của Việt Nam nhất, một đất nước có đa số theo Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên, hay còn gọi là Đạo Hiếu.  Đạo Hiếu dạy cho con dân Việt, sống phải biết đền ơn đáp nghĩa đối với những bậc sinh thành, không chỉ khi các ngài còn sống, mà quan trọng hơn đó là, khi các ngài đã qua đời.  Sự nhấn mạnh đến lòng kính hiếu bằng việc tổ chức ma chay, cúng giỗ đối với những bậc đã khuất nói lên niềm tin của người dân Việt rằng, sự sống này chỉ là tạm bợ, sự sống sau cái chết mới vĩnh hằng, mới thật sự là sống trong nhà của mình: “Sinh ký, tử quy – Sống gởi, thác về”, hoặc “Người ta sống vì mồ mả, không ai sống vì bát cơm”.  Niềm tin tín ngưỡng này không xa niềm tin Kitô giáo, trong đó cuộc sống này là cõi tạm, là cuộc lữ hành đi về nhà Cha Vĩnh Cửu trên trời, nơi đó mọi người sẽ được sống mãi với Thiên Chúa, Đấng dựng nên cả đất trời.  Chính vì thế, trong mọi Thánh lễ của người Công giáo được dâng mỗi ngày ở khắp nơi trên toàn thế giới đều cầu nguyện cho mọi Kitô hữu còn sống cũng như đã qua đời.  Nhưng Thánh lễ hôm nay khai mạc Tháng Mười Một, Tháng Các Linh Hồn, Giáo hội mời gọi mọi Kitô hữu trên toàn thế giới cùng cầu nguyện và tưởng nhớ cách đặc biệt đến mọi tín hữu đã qua đời.

2.     Bài đọc cho ngày Lễ hôm nay, cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời, được trích từ Sách Ma-ca-bê II.  Đây là tập sách được viết ra khoảng năm 63 TCN.  Sự nổi bật về mặt thần học của sách này đó là niềm tin vào sự phục sinh.  Cuộc sống này dù có chết, nhưng không phải là hết, người ta sẽ sống lại để người lành thì được ban thưởng và kẻ dữ thì sống lại để phải chịu án phạt.  Như vậy niềm tin này nhấn mạnh vai trò chủ thể của Thiên Chúa, Ngài không chỉ làm chủ cuộc sống của tôi hôm nay, nhưng còn làm chủ cuộc sống của tôi sau khi chết nữa.  Nếu tôi làm điều ác, tôi không chỉ phải lãnh các hậu quả từ những việc ác ở đời này, nhưng tôi còn bị án phạt đời sau nữa.  Bài đọc hôm nay biểu đạt rõ niềm tin vào sự sống mai hậu.  Việc làm của Giu-đa quyên góp tiền để xin lễ cho những người đã khuất, thật gần với việc làm của đại đa số người Công giáo Việt Nam vẫn làm mỗi khi có người thân qua đời, hoặc mỗi khi đến dịp cúng giỗ trong năm, hoặc mỗi khi Tháng Các Linh Hồn đến.  Trong giây phút này, tôi muốn tưởng nhớ và kể cho nhau nghe những lời nói, những việc làm, những kỷ niệm, những mối liên hệ mà tôi đã có với những người đã khuất, biến nó trở thành một mối liên hệ liên tục giữa những người còn sống và những người đã qua đời.  Tôi muốn thắt buộc mối dây liên hệ giữa tôi và những người thân đã qua đời với Thiên Chúa, bằng cách cầu nguyện họ và nói với Chúa về họ.  Tôi mời gọi con cái và những người thân của tôi cùng đi lễ với nhau, cùng ra nghĩa trang thăm viếng và cầu nguyện cho những người thân đã qua đời.  Đây chính là cách sống Ngày Lễ Cầu Hồn đẹp nhất.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Sự Sống Thay Đổi Mà Không Mất Đi,” do Lm Nguyễn Sang trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=CRcWhAcwcu4

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment