Saturday, November 26, 2022

Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng – Năm A –27-11-2022

CN I MV

I-sai-a 2:1-5

1Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. 2 Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.  Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, 3nước nước dập dìu kéo nhau đi.  Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.  Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời Đức Chúa phán truyền. 4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc.  Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.  Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. 5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường!”

 (Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là ngày đầu tiên của Năm Phụng Vụ mới, có thể nói hôm nay là ngày Mồng Một Tết của giáo hội.  Bài đọc hôm nay mang nhiều nét của những gì là mới mẻ, hy vọng và đầy hứa hẹn.  Tưởng đây cũng là một trong những ý chính của Mùa Vọng.  Mùa Vọng năm nào cũng trở lại, nhưng năm nay có lẽ tôi cần hiểu rõ và xác định cho tôi: Mùa Vọng là gì và tôi sẽ sống Mùa Vọng năm nay như thế nào?  Một định nghĩa phổ biến về Mùa Vọng mà ai cũng biết, đó là: Mùa Vọng là mùa chờ đợi Chúa đến.  Chúa đã đến một lần trong cung lòng của Trinh nữ Maria, hai ngàn năm trước; hôm nay tôi cùng với giáo hội chờ đợi đến ngày kỷ niệm biến cố giáng sinh ấy; đồng thời tôi cũng chờ đợi Chúa đến lần thứ hai với cả nhân loại trong ngày cánh chung, và tôi chờ Chúa đến với đời sống cá nhân của tôi.  Chính vì suy nghĩ này mà Mùa Vọng ngày xưa giống như Mùa Chay, trong đó mọi người sống trong ủ dột, sầu não, đấm ngực ăn năn bởi Chúa có thể đến bất đắc kỳ tử!  Dĩ nhiên, sửa tâm sửa tính là điều đẹp để không chỉ sẵn sàng đón chờ Chúa đến mà còn, làm cho những người xung quanh cũng được dễ thở bởi sự thay đổi của tôi.  Tuy nhiên, nói là chờ đợi Chúa, chứ thực tâm tôi có chờ đợi Chúa không, hay tôi đang chờ, đang ngóng cho Lễ Giáng Sinh mau đến, vì khi ấy sẽ có biết bao nhiêu mặt hàng bán đại hạ giá, sẽ có rất nhiều tiệc tùng và quà cáp?  Nhưng quan trọng hơn hết, tôi phải hỏi lại: Ai chờ ai?  Tôi chờ Chúa hay Ngài đang chờ đợi tôi?  Bởi trong cuộc sống thực tế, thường chỉ có người lớn chờ người trẻ, cha mẹ chờ đợi con cái đi chơi khuya về, chứ ít khi con cái chờ cha mẹ.  Tôi có thể xác định hướng đi của Mùa Vọng này sao cho khác với mọi mùa vọng khác, đó là: Tôi muốn mau mau đi về, đi gặp Chúa, Đấng luôn chờ đợi tôi đêm ngày. 

2.     Bài đọc hôm nay thật đẹp, thốt lên từ môi miệng của I-sai-a:Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.  Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.”  Cách đây đã gần ba ngàn năm, vậy mà lời của I-sai-a vẫn còn thích hợp và cần thiết trong thế giới của tôi hôm nay, đặc biệt tại cuộc chiến đầy bất công đang diễn ra trên đất nước Ukraine.  Chính vì thế mà câu này đã được khắc trên tường lớn, mặt tiền của Trụ Sở Liên Hiệp Quốc, ở New York.  Tôi đọc lại câu trên và tôi muốn cầu nguyện cho câu này trở thành hiện thực trên đất nước Ukraine lúc này.  Đây chính là một việc làm cụ thể của Mùa Vọng mà tôi cần làm để thỏa nỗi mong chờ của Thiên Chúa.  Thiên Chúa còn chờ đợi gì ở tôi, gia đình và cộng đoàn tôi?  Một sự giải hòa trong cộng đoàn, một sự tha thứ trong gia đình, một tâm hồn thống hối ăn năn chăng?  Tôi ngắm nhìn Chúa xem Ngài đang mong chờ gì ở tôi trong giây phút này, và tôi muốn đáp ứng sự chờ mong này của Ngài. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment