Sunday, November 13, 2022

Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên – Năm C –14-11-2022

 Thu Hai XXXIII TN

Luca 18:35-43

35Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. 36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 38 Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến.  Khi anh đã đến gần, Người hỏi: 41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”  Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” 42 Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa.  Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trong nhiều câu chuyện Chúa Giêsu chữa những người bị mù.  Mỗi một câu chuyện đều có những nét độc đáo của nó.  Nét độc đáo của câu chuyện trong bài đọc hôm nay, trước hết, đó là lòng khát khao của anh mù muốn được chữa lành.  Tôi đọc lại câu chuyện trên và để ý đến từng động từ, cách Thánh Luca diễn tả lòng khát khao ấy xảy ra và lớn dần theo từng mức độ một.  Mới đầu anh ta nghe ngóng, hỏi han, la lên và khi bị người ta quát bảo im đi, ba lần, nhưng ba lần bị cấm đó anh ta càng la lên và mỗi lần la càng to hơn: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”  Đến khi Chúa Giêsu biết là anh ta muốn được chữa lành, Ngài cho gọi anh ta đến và hỏi anh ta muốn gì, anh ta đã mạnh dạn xin: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.”  Tôi có thể tập trung vào những diễn tiến trong tâm hồn khao khát của anh mù muốn được gặp Chúa Giêsu và muốn xin Ngài chữa lành cho mắt anh ta.  Một người thật sự muốn xin được chữa lành, trước hết, chính họ phải biết họ có đang bị bệnh hay không, rồi cảm nghiệm cái khó, cái khổ, cái đau của việc mang căn bệnh ấy, và cuối cùng mới mong được cứu chữa.  Anh mù trong bài đọc hôm nay mang đủ những yếu tố này, chính vì thế anh ta khao khát được chữa lành, mà không ai có thể dập tắt lòng khao khát ấy.  Tôi có thể nhìn vào đời sống của tôi, có khi nào hay ngay bây giờ tôi khao khát gặp Chúa Giêsu và muốn gặp được Ngài để làm gì?  Nhiều khi tôi nhận thấy mình tội lỗi và bất xứng, nhưng bảo muốn gặp Chúa để được chữa lành để được thanh tẩy không thì lại không muốn!  Cái gì làm cho tôi không muốn gặp Chúa?  Có phải vì tiếc đời sống tội hơn là việc gặp Chúa?  Cũng có thể tôi chẳng thấy có tội, chẳng thấy mình bị bệnh, nên chẳng muốn gặp Chúa; thế nhưng, tôi không có tội và chẳng bệnh hoạn gì, ấy thế mà đời sống tôi chẳng sinh hoa quả gì.  Bao nhiêu năm làm con cái Chúa, cuộc sống của tôi vẫn rất buồn tẻ, uể oải, như cây bị cớm, yếu đuối, èo ọt, không một hoa quả nào.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? 

2.     Nét độc đáo thứ hai của bài đọc hôm nay, đó là: Chúa Giêsu đang trên đường đi Giê-ru-sa-lem để chịu chết.  Anh mù này sau khi được chữa lành, một ân huệ quá lớn, đã muốn đi theo Chúa Giêsu, sẵn sàng: Thầy đi đâu con đi đó; Thầy sống con sống; Thầy chết con chết theo!  Người ta chỉ thật sự cảm phục, khẩu phục, tâm phục một ai khi họ được lãnh nhận và được cảm hóa từ người đó.  Tôi sẽ không bao giờ muốn và chẳng bao giờ quyết tâm theo Chúa Giêsu, nếu tôi không nhận ra những ân huệ Ngài luôn làm cho tôi.  Tôi có thấy tôi được đón nhận biết bao nhiêu ân sủng từng giây từng phút từ Chúa?  Có lẽ tôi phải xin Chúa Giêsu như anh mù đã xin: “Lạy Thầy xin cho con thấy được!”  Thấy gì?  Thấy những ân huệ Chúa luôn ban cho con từng giây từng phút trong đời sống.  Thấy con phải làm gì và thay đổi những gì để diễn tả lòng biết ơn với Chúa.  Vậy, tôi sẽ làm gì, tôi sẽ sống ra sao, tôi sẽ quyết tâm thế nào để đáp lại những gì tôi đã lãnh nhận từ Chúa, kể cả dám chết vì Chúa và cho Chúa?  Tôi muốn ngồi đây và nhẩm đếm những ân huệ Chúa ban và muốn sống muộc cuộc đời đầy biết ơn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment