Friday, November 4, 2022

Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên – Năm C –5-11-2022

Thu Bay XXXI TN

Phi-líp-phê 4:10-19

10Thưa anh em, nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết.  Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra. 11 Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào. 12 Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được.  Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. 13 Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. 14 Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải. 15 Chính anh em, những người thành Phi-líp-phê, anh em biết là trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Tin Mừng, lúc rời khỏi Ma-kê-đô-ni-a, không một Hội Thánh nào đã đóng góp vào các khoản chi thu của tôi, chỉ có anh em thôi; 16 bởi vì ngay khi tôi còn ở Thê-xa-lô-ni-ca, đôi lần anh em đã gửi cho tôi những gì tôi cần dùng. 17 Điều tôi tìm kiếm không phải là quà tặng, mà là những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em. 18 Tôi có đủ mọi thứ cần dùng, lại còn dư dật nữa là khác.  Tôi rất đầy đủ, kể từ khi nhận được những gì anh em gửi đến tôi qua tay anh Ê-páp-rô-đi-tô.  Quà anh em tặng cho tôi đó, chẳng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận. 19 Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su.

(Trích Thư Phi-líp-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Nếu tôi có mặt trong Thánh lễ hôm nay, tôi sẽ nghe thừa tác viên đọc sách xướng ở cuối bài đọc hôm nay: “Đó là lời Chúa”.  Điều này có thể làm tôi bật cười.  Bởi tôi có thấy bài đọc nói gì đến những chuyện cao siêu, hay linh thiêng, hoặc thánh thiện gì đâu mà bảo, đó là lời Chúa? Trái lại, Thánh Phao-lô chỉ nói về những chuyện vặt vãnh rất vật chất, rất đời như chuyện cộng đoàn Phi-líp-phê đã gởi quà cho ngài, nào là tiền bạc, áo quần, lương khô để cho ngài sống, sợ ngài thiếu thốn.  Đây không phải là lần duy nhất Thánh Phao-lô nói đến những chuyện rất đời như thế này.  Trong thư 2 Ti-mô-thê, thánh nhân đã nhờ Ti-mô-thê, trước khi đến thăm ngài, hãy mang giùm ngài chiếc áo, sách vở và những cuộn da mà ngài đã để ở nhà ông Các-pô ở Trô-a (2 Tm 4:13).  Nếu bài đọc Ti-mô-thê được đọc trong Thánh lễ, thừa tác viên đọc sách cũng sẽ xướng: “Đó là lời Chúa”!  Đây là điểm khá thú vị.  Chẳng phải bất cứ khi nào nói về đạo, về Chúa tôi cũng cứ phải nói những gì linh thiêng, thánh thiện, cao trọng; nhưng, tôi có thể nói về đạo, về Chúa từ những gì rất đời như chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, tắm giặt, lam lũ…  Chẳng phải chỉ có Phao-lô mới nói đến những gì rất đời, nhưng cả Chúa Giêsu đã rất nhiều lần dùng những chuyện rất đời để nói về Nước Trời, nói về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, như: chuyện làm bánh, chuyện vá khâu, chuyện vay nợ, chuyện tiệc tùng ăn uống, chuyện trồng trọt…  Giờ cầu nguyện hôm nay, có thể là lúc tôi nhìn lại cả ngày sống của tôi, tất cả những gì tôi đã nói và làm trong ngày, như: chuyện ái ân, chuyện thay tã cho con, chuyện chở con đi học, chuyện dạy con, chuyện chăm sóc cha mẹ già, chuyện liên đới với hàng xóm, chuyện tương giao với mọi người trong sở…  Tôi đã làm tất cả những chuyện này thánh đến mức nào?  Chúa ở đâu trong tất cả những chuyện rất đời, và rất tầm thường mà tôi đã làm trong ngày hôm nay?  Tôi muốn ý thức hơn trong cả ngày sống hôm nay, để từ những chuyện rất thường bên ngoài giờ cầu nguyện, bên ngoài nhà thờ, cũng sẽ trở nên rất thánh.  Ước gì sau khi làm xong mỗi việc này, tôi có thể xướng lên: Đó là lời Chúa!  Tạ ơn Chúa!

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên để thấy những nét đẹp khác nữa trong đời sống của Thánh Phao-lô.  Thánh nhân đã tập sống nhiệm nhặt, khắc khổ để chẳng phải tìm sự bình an nơi vật chất, nhưng nương tựa vào Chúa Kitô.  Mặc dù nhận ra tình thương của những người đã tặng quà cho ngài, thánh nhân không kiếm tìm và mong chờ những quà đó, nhưng ngài mong chờ đời sống thiêng liêng của họ sinh hoa kết trái.  Đó chính là những món quà lớn nhất và ý nghĩa nhất với ngài.  Vật chất chắc ai cũng cần, thậm chí ai cũng ham, người ta chỉ có thể buông bỏ được chúng khi biết bám vào Chúa Kitô.  Tôi có thể bắt chước và tập sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, nhờ đó mỗi ngày tôi trở nên tự do hơn trước những bám víu của cải vật chất.  Tôi nói chuyện với Thánh Phao-lô.  Tôi cũng muốn nói chuyện với Chúa Kitô trong giây phút này về những trăn trở trong cuộc sống và về sự tự do nội tâm. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment